Cùng với 99 địa điểm khác của 53 quốc gia trên thế giới, vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà đã được Liên hiệp Khoa học địa chất quốc tế (IUGS) công nhận là di sản địa chất quốc tế.
Thông tin được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết ngày 25/8.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tân Văn là người đã tham gia và chủ trì 2 hồ sơ di sản thế giới liên quan đến các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, đồng thời trực tiếp chuẩn bị hồ sơ trình IUGS công nhận vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là di sản địa chất quốc tế.
Di sản được công nhận nhờ hai giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử địa chất và địa mạo karst (địa mạo của các kiểu phân rã đặc trưng thông thường được đánh dấu bởi các hệ thống thoát nước theo hang động ngầm dưới đất-PV).
Dự kiến, IUGS sẽ công bố danh sách 100 di sản địa chất IUGS tại Đại hội Địa chất quốc tế (IGC) lần thứ 37 diễn ra từ ngày 25-31/8 tại Busan (Hàn Quốc).
Vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà bao gồm toàn bộ các giai đoạn của quá trình biển làm ngập chìm karst nhiệt đới cũng như có 3 loại hình hang động chủ yếu (hang hàm ếch biển cổ, hang nền karst cổ và hàm ếch).
Vịnh Hạ Long thể hiện các giai đoạn muộn hơn của quá trình biển ngập chìm. Quần đảo Cát Bà bổ sung các giá trị địa chất quan trọng vào di sản thông qua các mẫu hình về các giai đoạn đất liền và liên triều.
Năm 1994, vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ.
Năm 2000, vịnh Hạ Long lại được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai với giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo.
Ngày 16/9/2023, tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thiên nhiên thế giới, UNESCO đã công nhận vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh-thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Do đó, việc vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được IUGS công nhận là di sản địa chất quốc tế thêm một lần nữa khẳng định giá trị của di sản này.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tân Văn, vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là mẫu hình tuyệt vời về cảnh quan karst trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, gió mùa và quá khứ gần đây bị biển xâm lấn, làm biến cải và hiện nay vẫn đang ngập chìm trong nước biển.
Đá vôi ở vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà cùng với nhiều khu vực khác ở miền Bắc Việt Nam như: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Bình… được hình thành cũng trong môi trường biển nông và ấm, chủ yếu trong thời kỳ cách ngày nay khoảng 300 triệu năm.
Vịnh Hạ Long còn có sự đa dạng về các yếu tố địa hình như các đảo núi xen kẽ các vũng biển sâu, sự tương phản của rừng sú vẹt ven bờ và các đảo đá vôi có vách dựng đứng. Đây chính là loại hình thái địa hình cổ nhất còn quan sát được ở Việt Nam.
Ở phần lục địa và các đảo, địa hình xâm thực bào mòn thể hiện ở các đồi núi lục nguyên, núi và đảo đá vôi, ở các hang động thuộc các tầng khác nhau. Còn ở đáy vịnh, đáng quan tâm là các nhánh sông cổ, các khối karst sót lại và đặc biệt là cánh đồng karst ngập chìm.
Ngoài ra, với sự đa dạng về quá trình hình thành và hình thái của hệ thống hang động và đảo đá, vịnh Hạ Long có 2 loại hang: hang cổ và hang trẻ. Quá trình hình thành hệ thống hang trẻ liên quan đến sự chuyển dời từng phần các “dăm kết hang động” lấp đầy các hang cổ (như hang hồ Động Tiên), còn sự bào mòn liên tục của nước biển trên địa hình bán bình nguyên karst cổ đã tạo nên các đảo đá vôi hình cột và các đảo có hình thù kỳ dị khác như ngày nay.
Diện mạo của khu vực vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà và các giá trị địa chất, địa mạo độc đáo và nổi tiếng như ngày nay là kết quả của quá trình vận động kiến tạo địa chất khu vực kéo dài hơn 500 triệu năm. Đó cũng chính là lý do UNESCO đã ba lần công nhận vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới.
TB (theo TTXVN)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/vinh-ha-long-quan-dao-cat-ba-duoc-cong-nhan-la-di-san-dia-chat-quoc-te-391249.html