Theo bà Xuân, năm 1999, nhà bà mua mảnh đất cạnh sông Cầu Tràng để làm kinh tế trang trại. Khu đất này được gia đình bà Nguyễn Thị Nhị khai hoang từ năm 1981. Tại thời điểm xây dựng, bà Xuân được sự đồng ý, cho phép của UBND phường Ái Quốc (khi đó là xã Ái Quốc).
Khi bà Xuân mua lại, trên mảnh đất có 4 lán tạm dùng để nuôi gà, vịt, một phần diện tích trồng cây ăn quả. Do khu đất trũng thấp nên nhà bà Xuân đã đầu tư tôn tạo, làm kè chống sụt lún, xói mòn. Đồng thời, xây dựng 20 gian chuồng trại để chăn nuôi và 1 công trình trông nom. Đến tháng 11/2021, bà Xuân nhận được thông tin của UBND phường yêu cầu gia đình bà tự tháo dỡ công trình phục vụ làm đường giao thông.
Bà Xuân cho biết gia đình nhất trí và ủng hộ chủ trương làm đường nhưng mong muốn chính quyền các cấp xem xét mức hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng. 25 năm qua, nhà bà đã bỏ hàng trăm triệu đồng đầu tư, cải tạo khu đất trên. Trong khi đó, từ năm 2017 đến nay, việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, thua lỗ. Tiền vay mượn để chăn nuôi, sản xuất vẫn chưa trả hết. Tháng 3/2023, UBND phường Ái Quốc đã mời đại diện gia đình đến họp và thông báo trường hợp nhà bà Xuân không được hỗ trợ. “Từ khi tôi mua lại mảnh đất, xây dựng chuồng trại chăn nuôi đến nay đã 25 năm nhưng chưa từng bị nhắc nhở, xử phạt. Bao năm qua, gia đình dồn hết thời gian, công sức, tiền bạc đầu tư vào khu đất này. Vì vậy, các cấp có thẩm quyền cần xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ, đền bù cho gia đình tôi”, bà Xuân nêu ý kiến.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND phường Ái Quốc khẳng định nhà bà Xuân yêu cầu hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng với diện tích đất trên là không có căn cứ. Diện tích đất gia đình bà đang sử dụng làm chuồng trại chăn nuôi là đất lấn chiếm, có nguồn gốc là đất hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Vì vậy, thửa đất nhà bà Xuân đang sử dụng không được đo vẽ và thể hiện trên bản đồ địa chính năm 1998 và năm 2010. Thửa đất này không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc bà Xuân cho rằng được UBND xã Ái Quốc trước đây đồng ý cho xây dựng chuồng trại cũng không có giấy tờ, hồ sơ chứng minh.
Cũng theo UBND phường Ái Quốc, địa phương thực hiện dự án mở rộng tuyến đường Cống Trung – Cầu Tràng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Người dân hiến đất để mở rộng tuyến đường còn kinh phí xây dựng từ ngân sách. Đến nay, đã có 18 hộ dân tình nguyện phá dỡ công trình hiến đất làm đường; chỉ còn hộ bà Xuân và 1 trường hợp khác không chấp hành chủ trương mà yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ. UBND phường đang tích cực tuyên truyền, vận động 2 hộ này đồng thuận vì mục tiêu chung. Bên cạnh đó, phường cũng nghiên cứu, xem xét phương án hỗ trợ từ nguồn vận động xã hội hóa. Tuy nhiên, mức hỗ trợ phải phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế chứ không thể theo yêu cầu của các hộ dân.
Theo Ban Giải phóng mặt bằng TP Hải Dương, việc xác định bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phải căn cứ vào nguồn gốc đất. Nếu là đất hành lang bảo vệ công trình thủy lợi thì không được bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Như vậy, trường hợp của bà Xuân vi phạm khoản 1, khoản 2 điều 12 Luật Đất đai. Ngoài ra, căn cứ vào nguyên tắc bồi thường, đất có nguồn gốc là hành lang bảo vệ công trình thủy lợi thì không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận sử dụng đất nên không được bồi thường giải phóng mặt bằng. Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái cư khi Nhà nước thu hồi đất và Quyết định 37/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh có xem xét hỗ trợ khi có chi phí đầu tư vào đất nhưng với điều kiện không vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Do đó, nhà bà Xuân cũng không được xem xét hỗ trợ. Còn về phương án của UBND phường Ái Quốc nghiên cứu hỗ trợ bằng nguồn xã hội hóa không có trong quy định của pháp luật nên phường có thể vận dụng linh hoạt, tạo sự đồng thuận.
PV