Đa dạng mô hình
Hơn 1 giờ chiều nhưng xưởng sản xuất bàn ghế đá của gia đình anh Trần Văn Thăng ở thôn Cam Đông (xã Tuấn Việt) đã tấp nập. Mỗi người 1 công đoạn khác nhau để tạo thành những bộ bàn ghế hoàn chỉnh. Năm 2006, quy mô xưởng còn nhỏ, chỉ vài công nhân. Đến nay, anh Thăng đã mở rộng 3.000 m², giải quyết việc làm cho trên 20 lao động với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, anh cung cấp khoảng 300 bộ bàn ghế cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, thu lãi trên 1 tỷ đồng. Anh Thăng cho biết: “Thời gian tới tôi sẽ mở rộng xưởng 2.000 m² nữa, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, chủ yếu là người trong làng, trong xã”.
Ở Kim Thành, mỗi người chọn một ngành nghề khác nhau để làm giàu. Kế thừa nghề mộc gia truyền, ông Lê Văn Thự ở thôn Hải Ninh (xã Kim Tân) đã phát triển nghề này ngày càng lớn mạnh. Theo ông Thự, trước đây ông chỉ đóng các vật dụng đơn giản như giường, tủ cho người dân trong làng, trong xã. Những năm gần đây, khi có máy móc hỗ trợ và nhu cầu sắm đồ đạc của người dân tăng cao nên ông mở rộng xưởng lên 700 m2 với đa dạng sản phẩm, gồm cả đồ mỹ nghệ. Ông Thự luôn giữ chữ tín làm đầu nên sản phẩm của ông đã vươn ra toàn quốc. Nhờ đó, doanh thu xưởng của ông cũng đạt 3-4 tỷ đồng/năm.
Còn anh Đồng Văn Thuận cũng ở thôn Ninh Hải (xã Kim Tân) lại vươn lên làm giàu từ nghề nuôi thủy sản. Sau nhiều năm miệt mài mở rộng nuôi thả, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đến nay anh Thuận đã có trang trại rộng trên 40 mẫu, cung cấp ra thị trường từ 80-100 tấn thủy sản/năm và hàng trăm vạn con cá giống. Doanh thu mỗi năm đạt 5 tỷ đồng, cho lãi trên 1 tỷ đồng.
Tích cực hỗ trợ
Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Kim Thành phát triển mạnh, thu hút đông đảo nông dân tham gia. Năm 2023, huyện có 16.556 hộ đăng ký giỏi 4 cấp, chiếm 63,9% tổng số hộ nông dân. Qua bình xét, có 13 hộ đạt cấp trung ương, 194 hộ đạt cấp tỉnh, 2.095 hộ đạt cấp huyện và cấp cơ sở có 9.068 hộ. Tính theo mức thu nhập, có 666 hộ cho thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên/hộ; 1.520 hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; 6.120 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng…
Hội Nông dân huyện Kim Thành đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển. Trên cơ sở quy định do Trung ương hội ban hành, Hội Nông dân huyện và xã đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và phát động nông dân đăng ký; giao chỉ tiêu thực hiện đến từng cơ sở, chi hội, tổ hội. Trong quá trình thực hiện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra biện pháp chỉ đạo thực hiện phong trào có hiệu quả.
Hội phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủy thác nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn trên 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân gần 115 tỷ đồng cho các hộ dân vay vốn sản xuất. Hội thường xuyên tổ chức thăm, học hỏi các mô hình mới về trồng trọt, chăn nuôi để các hộ được tiếp cận với công nghệ mới, từ đó học hỏi, đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa.
Mỗi cơ sở hội lại có cách làm khác nhau tạo điều kiện cho nông dân vươn lên làm giàu. Ông Nguyễn Hoàng Hiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Tân cho biết: “Đối với hộ cần đất sản xuất, hội tuyên truyền, vận động các hộ dân đổi ruộng để hình thành những khu sản xuất lớn nên ở Kim Tân có nhiều hộ có diện tích 30-40 mẫu”.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, ngành, còn là sự chủ động của các hộ dân. Anh Trần Văn Thăng ở thôn Cam Đông (xã Tuấn Việt) cho biết thêm: “Để đứng vừng trên thị trường đầy biến động như hiện nay, người kinh doanh phải nhanh nhạy, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng để sản xuất ra sản phẩm phù hợp. Tôi thường xuyên đổi mới mẫu mã, kiểu dáng, khi thấy thị trường bão hòa thì phải chuyển đổi mô hình cho phù hợp”.
Với sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể, sự chủ động của người dân, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở Kim Thành đều phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
THANH HÀ