Lựa chọn phù hợp
Nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người dân xã Hoành Sơn không đồng ý hoặc có ý kiến khác về việc sáp nhập, lấy tên phường Duy Tân là do không muốn mất tên xã cũ của mình.
Ông Lê Công Sáu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nghĩa Lộ cho biết, xã Hoành Sơn có lịch sử tồn tại và phát triển lâu đời. Vì vậy, người dân có những phong tục, tập quán riêng. “Nếu sau sáp nhập, lấy tên phường Duy Tân, họ sẽ cảm thấy hụt hẫng. Nhiều người mong muốn, lấy yếu tố cấu thành tên của cả 2 địa phương đặt tên cho phường mới như: Tân Sơn, Duy Sơn… thay vì tên Duy Tân như dự kiến”, ông Sáu cho biết.
Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 – 2030, xã Hoành Sơn không đạt cả hai tiêu chuẩn diện tích và dân số, cần sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025. Phường Duy Tân có vị trí liền kề, cùng nằm trên trục đường huyện ĐH 04, kết nối giao thông thuận lợi. Đây là những lý do để thị xã Kinh Môn tiến hành sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số xã Hoành Sơn vào phường Duy Tân.
Việc lấy tên phường Duy Tân sau sáp nhập cũng bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Xã Hoành Sơn có diện tích tự nhiên 4,18 km², quy mô dân số nhỏ (3.924 người). Phường Duy Tân có diện tích 7,69 km², quy mô dân số 7.887 người. Vì vậy, việc đặt tên mới theo đơn vị hành chính có diện tích và quy mô dân số lớn hơn là phù hợp.
Nhìn rộng hơn vấn đề tên gọi, việc sáp nhập giúp mở rộng khu vực nội thị của thị xã, phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển chung của thị xã Kinh Môn với mục tiêu nâng cấp thị xã Kinh Môn thành đô thị loại III trước năm 2025 và thành lập TP Kinh Môn trước năm 2030.
Sau sáp nhập sẽ hình thành đơn vị hành chính với diện tích và quy mô dân số lớn hơn. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư, nhất là hệ thống công trình giao thông, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hoá… Cùng với sự triển kinh tế – xã hội, nhiều dự án hợp tác kinh tế được ký kết, thu hút đầu tư, tạo cơ hội việc làm, giúp nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Giải quyết cán bộ, công chức dôi dư thế nào?
Giai đoạn 2023 – 2025, thị xã Kinh Môn chỉ có Hoành Sơn là đơn vị hành chính duy nhất thuộc diện cần sắp xếp. Dự kiến, từ ngày 1/7/2024, đơn vị hành chính mới chính thức đi vào hoạt động. Trụ sở làm việc được đặt tại UBND phường Duy Tân hiện nay.
Ông Trần Hồng Túc, Chủ tịch UBND phường Duy Tân cho biết, về cơ sở vật chất tại trụ sở cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu khi đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hội trường trung tâm của phường chỉ có 230 chỗ ngồi. Sau sáp nhập, hội trường sẽ không đáp ứng được nhu cầu cho các cuộc họp, nhất là khi tổ chức các hội nghị của Đảng bộ (số đảng viên lên tới 400 người).
Những xáo trộn trong hoạt động bộ máy hành chính và đời sống người dân giai đoạn đầu là điều không tránh khỏi, song quan điểm của lãnh đạo 2 địa phương này là sau sáp nhập sẽ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông và ưu tiên cải tạo các khu dân cư cũ trên địa bàn Hoành Sơn. “Giai đoạn đầu chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn song quan điểm mà chúng tôi luôn xác định rõ là sự đoàn kết, thống nhất cao. Từ cán bộ, đến nhân dân phải coi nhau như anh em một nhà, tuyệt đối không có tư tưởng phân biệt. Khi đơn vị hành chính mới hoạt động, sẽ bố trí cán bộ phụ trách chéo địa bàn, tránh cục bộ”, ông Túc nói thêm.
Theo ông Đào Quang Thời, Bí thư Đảng ủy phường Duy Tân, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là việc sắp xếp vị trí việc làm cho các cán bộ, công chức sau sáp nhập. Tổng số cán bộ, công chức 2 xã khi chưa sắp xếp là 36 người. Số cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới được bố trí theo quy định là 24 người (do quy mô dân số đạt 236,22% và diện tích đạt 215,82% so với tiêu chuẩn). Số cán bộ, công chức dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là 12 người (8 cán bộ, 4 công chức). Số người nghỉ hưu trong năm 2024 là 3 người. Địa phương không có người nghỉ do không đủ tuổi tái cử giai đoạn từ tháng 7/2024 đến tháng 7/2029. Như vậy, số cán bộ, công chức dôi dư phải bố trí sắp xếp là 9 người.
Trước vấn đề sắp xếp vị trí việc làm, dù có chút tâm tư nhưng đa số cán bộ, công chức ở 2 xã, phường đều cơ bản đồng thuận. Anh Phạm Văn Duyện Lực, công chức văn phòng-thống kê UBND phường Duy Tân cho biết, anh có thể được bố trí, điều động sang bất cứ xã, phường nào nhưng luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng. “Ở đâu cũng là thực hiện nhiệm vụ, cống hiến cho Đảng, Nhà nước, phục vụ nhân dân”, anh Lực nói.
Về phương án, lộ trình giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức sau sắp xếp, ông Nguyễn Văn An, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Kinh Môn cho biết, theo Đề án Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thị xã Kinh Môn, thị xã sẽ tiến hành rà soát về độ tuổi, trình độ đào tạo, các điều kiện sức khỏe, năng lực chuyên môn… của cán bộ, công chức và dựa trên các quy định để tuyên truyền, vận động, đề nghị các cấp giải quyết chế độ theo nguyện vọng…
“Thị xã có thể sẽ bố trí điều động cán bộ, công chức sang xã, phường khác hoặc cho nghỉ chế độ theo Nghị định 29 của Chính phủ, đồng thời thực hiện theo lộ trình giảm trong 5 năm theo quy định. Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ bố trí, sắp xếp giảm dần theo lộ trình, bảo đảm số lượng theo quy định”, ông An cho biết thêm.
XUÂN HƯƠNG