Dùng nguồn nước tự nhiên
Từ nhiều năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Năm ở thị tứ Lê Lợi thuộc xã Lê Lợi vẫn sử dụng nước giếng khoan cho mọi sinh hoạt của gia đình. Giếng được gia đình sử dụng từ lâu, nước từ giếng bơm lên téc chứa trên sân thượng để cung cấp cho các tầng. “Dù là nguồn nước giếng khoan nhưng theo cảm nhận của gia đình tôi thì nước sạch và mát. Nước có quanh năm đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của cả gia đình”, chị Năm nói.
Thị tứ Lê Lợi hiện có khoảng 100 hộ, mỗi gia đình đều có một giếng khoan lấy từ mạch nước ngầm. Nước khá sạch, phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân. Ông Nguyễn Văn Phúc, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu thị tứ Lê Lợi cho biết đã có nhiều đơn vị về lấy mẫu nước xét nghiệm và kết quả đều khẳng định nguồn nước ngầm ở đây bảo đảm vệ sinh, đủ điều kiện sử dụng sinh hoạt hằng ngày. Từ nhiều năm nay, lãnh đạo địa phương chưa ghi nhận ý kiến phàn nàn nào về chất lượng nước của người dân. Dù mùa khô nguồn nước ngầm vẫn đủ để bà con sử dụng. Đã có lúc nhiều gia đình trong khu lắp đặt thêm máy lọc nước, nhưng đến nay gần như cũng bỏ không sử dụng vì chất lượng nguồn nước luôn bảo đảm. Trên địa bàn xã Lê Lợi cũng không có nhà máy, xí nghiệp sản xuất xả thải, việc chăn nuôi cũng được quy hoạch nên nguồn nước không bị ảnh hưởng.
Không chỉ xã Lê Lợi, mà 3 địa phương còn lại người dân cũng chủ yếu sử dụng nguồn nước suối, nước giếng khoan có chất lượng nước tương đối tốt. Trước đây, xã Hoàng Hoa Thám được đầu tư xây dựng một công trình nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Công trình này hiện cung cấp nước cho 75 hộ dân nhưng chủ yếu phục vụ sinh hoạt chứ không dùng được cho ăn uống.
Có nhất thiết phải đầu tư công trình nước sạch?
Theo điều tra năm 2023, xã Bắc An có 1.685 hộ, xã Hoàng Hoa Thám có 879 hộ, tất cả đều đang sử dụng nguồn nước ngầm tự nhiên. Việc huy động kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn 2 xã rất khó khăn do địa hình phức tạp và dân cư thưa thớt. Nếu đầu tư công trình nước sạch sẽ cần nguồn vốn lớn, thu lợi nhuận sẽ lâu hơn và bản thân khách hàng cũng sẽ phải chịu nhiều chi phí hơn.
Vì không có công trình cấp nước tập trung nên hai xã Bắc An và Hoàng Hoa Thám đang gặp khó khăn với tiêu chí chất lượng môi trường sống để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, nội dung tiêu chí nước sạch bao gồm: phải có 100% số hộ được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn và có từ 99% trở lên số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung.
Vậy có nhất thiết phải xây dựng công trình cấp nước tập trung tại các địa phương này trong giai đoạn hiện nay chỉ để đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao hay không? Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Đáng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: “Trong quá trình xét công nhận nông thôn mới nâng cao thì đoàn thẩm định sẽ linh hoạt khi đánh giá tiêu chí về nước sạch đối với các địa phương này. Các hộ dân trong xã chỉ cần có biện pháp lọc nước, trữ nước bảo đảm hợp vệ sinh”…
Với nhu cầu và thực tế ở 4 xã này, việc xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung là chưa thật sự cần thiết. Điều người dân mong muốn, các cơ quan chức năng định kỳ lấy mẫu nước xét nghiệm các chỉ số để người dân thêm phần yên tâm khi sử dụng nguồn nước ngầm từ tự nhiên.
Trong Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định có 4 xã miền núi thuộc TP Chí Linh gồm Bắc An, Hoa Thám, Hưng Đạo và Lê Lợi đang sử dụng nguồn nước suối, nước giếng khoan có chất lượng nước tương đối tốt. Quy hoạch cũng nêu rõ phương án phát triển hạ tầng cấp nước tại TP Chí Linh trong giai đoạn tới. Theo đó sẽ thực hiện nâng công suất nhà máy nước Văn An lên 32.000 m3/ngày đêm cấp nước cho một phần xã Bắc An, Lê Lợi; xây dựng nhà máy nước Bến Tắm có công suất 5.000 m3/ngày đêm cấp nước cho xã Hoàng Hoa Thám và một phần xã Bắc An và xây dựng trạm cấp nước sạch Hưng Đạo có công suất 2.500 m3/ngày đêm…
THANH HOA
Nguồn: https://baohaiduong.vn/vi-sao-4-xa-o-chi-linh-van-nam-ngoai-mang-luoi-cap-nuoc-tap-trung-384977.html