Sáng 1/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc, phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề “Báo cáo kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế- xã hội năm 2025″.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, trong đó ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Tạo động lực, nền tảng phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; tăng cường quốc phòng, an ninh; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế…
Thủ tướng cho biết tình hình kinh tế-xã hội 11 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng: Tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỷ USD, tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỷ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu hút FDI là điểm sáng và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số tồn tại lớn, trong đó thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, nhất là quan điểm, quy trình, phương thức, phương pháp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đầu tư nguồn lực tài chính, con người cho công tác xây dựng pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn…
Thủ tướng cho biết năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; cùng với đó, tình hình thế giới, trong nước khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tất cả các cấp, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”; “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Thủ tướng cho biết Trung ương xác định mục tiêu tổng quát năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Một số chỉ tiêu chính trong 15 chỉ tiêu chủ yếu như tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8-1%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,8% GDP; nợ công khoảng 35-38% GDP…
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh phải ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch cả giai đoạn 2021-2030, hoàn thành ít nhất 3.000km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành Sân bay Long Thành, các công trình lớn; xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước…; trên cơ sở đó tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Trên cơ sở đó, theo Thủ tướng, Chính phủ xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm 8 nhóm giải pháp.
Nhóm giải pháp thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nhóm giải pháp thứ hai, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8%.
Nhóm giải pháp thứ ba, huy động tối đa các nguồn lực xã hội.
Nhóm giải pháp thứ tư, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án lớn, quan trọng, trọng điểm quốc gia.
Nhóm giải pháp thứ năm, bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài.
Nhóm giải pháp thứ sáu, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Nhóm giải pháp thứ bảy, chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhóm giải pháp thứ tám, bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
VN (theo TTXVN)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/uu-tien-tang-truong-tao-nen-tang-vung-chac-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-399346.html