Nâng cao thu nhập từ cây rừng có giá trị cao
Tranh thủ thời tiết thuận lợi những ngày đầu năm mới, ông Vũ Văn Phong ở thôn Mệnh Trường, xã Bắc An (Chí Linh) lên đồi chăm sóc hơn 3,2 ha cây bạch đàn mới trồng trong năm vừa qua. Đây là giống bạch đàn cao sản cho năng suất cao, giá trị kinh tế lớn. Sau 6 tháng trồng cây đã cứng cáp, thân to khỏe, chiều cao trung bình từ 1,5-2 m và rất ít sâu bệnh. “Tôi đầu tư gần 50 triệu đồng thuê máy làm đất và mua cây giống, trồng mật độ 1.700-1.800 cây/ha để vừa bảo đảm độ che phủ rừng, vừa cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây. Trồng giống cây này không mất nhiều công chăm sóc. Mỗi năm chỉ tập trung dọn cỏ, vun xới, bón phân trong khoảng 10 ngày và chỉ cần chăm sóc trong 2 năm đầu. Cây được 5 tuổi là thời điểm cho khai thác tốt nhất, giá bán khoảng 150 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần giống bạch đàn thường”, ông Phong nói.
Cùng ở thôn Mệnh Trường, xã Bắc An, ông Bùi Đình Tân vừa bán hơn 2 ha cây bạch đàn cao sản và cây keo lai với tổng số tiền 220 triệu đồng. Ông Tân cho biết: “Đối với cây bạch đàn cao sản sau khi khai thác tôi không phải trồng lại, chỉ cần cắt sát gốc để tái sinh chồi, mỗi gốc sẽ mọc 2-3 chồi, sau 4-5 năm lại được khai thác, sản lượng sẽ cao hơn lứa đầu. Còn diện tích keo lai tôi sẽ dọn sạch, cuốc hố trồng toàn bộ cây bạch đàn cao sản”.
Năm 2023, diện tích khai thác rừng sản xuất cả tỉnh đạt 209,86 ha với tổng khối lượng hơn 16.987 m3 gỗ. Tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 40 tỷ đồng. Diện tích trồng rừng sau khai thác đạt hơn 250 ha, trong đó TP Chí Linh trồng hơn 240 ha, thị xã Kinh Môn trồng trên 10 ha. Diện tích rừng trồng mới đạt 43 ha (chuyển đổi từ cây ăn quả sang cây lấy gỗ do các gia đình, cá nhân tự đầu tư).
Các hộ trồng rừng sản xuất trước khi khai thác phải báo cáo chính quyền địa phương để xin xác nhận và cam kết khai thác đúng diện tích rừng được giao; phải được sự đồng ý của đơn vị kiểm lâm và trong điều kiện thời tiết cho phép mới được đốt dọn thực bì tại vị trí khai thác, bảo đảm phòng cháy. Các hộ trồng lại rừng mới ngay trong vụ rừng kế tiếp. Các hạt kiểm lâm cũng thường xuyên hướng dẫn các hộ cách trồng, chăm sóc và lựa chọn những giống cây trồng phù hợp, cho giá trị kinh tế cao.
Hướng tới bán tín chỉ carbon
Hải Dương hiện có 11.161,2 ha rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp thuộc TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Trong đó hơn 1.543 ha rừng đặc dụng, 4.662,7 ha rừng phòng hộ và hơn 4.955 ha rừng sản xuất. Độ che phủ rừng năm 2023 đạt 5,31%.
Diện tích rừng của Hải Dương tuy không lớn nhưng gắn liền nhiều khu di tích, có giá trị lớn trong bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường, đồng thời đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế-xã hội và an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Ông Phạm Hồng Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hải Dương cho biết tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hải Dương để huy động các nguồn lực phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh thực hiện Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó xác định cụ thể lưu vực, ranh giới rừng và các đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Đó là các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng.
Đây là những bước đi đầu tiên để Hải Dương từng bước tham gia thị trường tín chỉ carbon nhằm tăng thêm nguồn thu cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người trồng rừng. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ rừng để tăng khả năng hấp thụ khí CO2 (carbon dioxide), từ đó tăng trữ lượng carbon của rừng.
Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác (CH4 tương đương 1 tấn CO2). Mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Chủ rừng có thể quy đổi lượng hấp thụ khí CO2 từ diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra tín chỉ carbon. Do đó trữ lượng carbon của rừng càng lớn, càng mang lại giá trị kinh tế cao.
Tham gia thị trường tín chỉ carbon, bên mua tín chỉ carbon là các doanh nghiệp có lượng phát thải CO2 dương (chủ yếu sản xuất công nghiệp). Bên mua buộc phải mua tín chỉ carbon để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường có quy định về tiêu chuẩn sản xuất xanh.
NHẤT NGUYÊN