Đoàn kết, gắn bó
Thôn Xạ Sơn nằm nổi bật giữa cánh đồng hành tỏi xanh ngắt của xã Quang Thành. Vẫn là những nếp nhà với những người dân giản dị, chất phác nhưng Xạ Sơn ngày càng đổi mới với những con đường bê tông rộng mở, nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại.
Ít ai biết, Xạ Sơn là 1 trong 3 làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Hải Hưng (cũ) và là làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Hải Dương hiện nay.
Năm 1995, Xạ Sơn là thôn đầu tiên của tỉnh Hải Hưng tổ chức đón danh hiệu văn hóa.
Đã 30 năm trôi qua, ông Trần Đức Vẻ, nguyên Chủ tịch UBND xã Quang Trung (cũ) và nhiều người dân trong thôn vẫn nhớ rõ ngày trọng đại ấy. “Khi ấy, Xạ Sơn nổi bật so với nhiều thôn khác trong tỉnh bởi có quần thể di tích tâm linh khép kín, có đội tuồng, chèo cổ thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong khu vực… Nhưng đặc biệt nhất vẫn là tinh thần đoàn kết, gắn bó của người dân trong thôn. Măc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng người dân đã tự nguyện đóng góp xây dựng được gần 1 km đường giao thông và trở thành đoạn đường bê tông thôn xóm đầu tiên của huyện Kinh Môn thời ấy”, ông Vẻ kể.
Tinh thần đoàn kết, gắn bó xóm làng chính là sức mạnh để xây dựng nên làng văn hóa Xạ Sơn. Tinh thần này cũng luôn được người dân gìn giữ và phát huy đến tận ngày nay. Trong các dịp hội làng hay Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, không chỉ người dân trong thôn mà đông đảo con em xa quê cũng trở về.
Theo anh Hoàng Gia Lực, Bí thư Chi bộ thôn Xạ Sơn, trước đây, nhiều người con quê hương chuyển vào các vùng kinh tế mới ở các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Lắk sinh sống và làm việc, hình thành những thôn Xạ Sơn thu nhỏ và lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống của thôn. Những người con xa quê vẫn có mối quan hệ gắn kết, khăng khít với Xạ Sơn. Chỉ cần thôn có việc, người dân dù ở xa hay gần đều chung tay hỗ trợ để hoàn thành mục tiêu chung. Đặc biệt, sau đợt bão số 3 vừa qua, một số hạng mục công trình tâm linh trong thôn bị thiệt hại, nhiều bà con xa quê đã chung tay sửa chữa.
Thôn Xạ Sơn có hơn 1.000 hộ với khoảng 3.500 nhân khẩu. Nhờ tinh thần đoàn kết, gắn bó, việc khó trong thôn đều được giải quyết. Các gia đình, dòng họ tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Thôn đã vận động nhân dân nâng cấp, mở rộng các tuyến đường; thực hiện quy hoạch khu cát táng theo hướng đồng bộ về kích thước, diện tích, bảo đảm tính khoa học, thẩm mỹ và tiết kiệm đất. Các công trình tâm linh đều được tôn tạo khang trang, sạch đẹp, giá trị di tích được phát huy. Nhiều công trình phúc lợi của thôn được mở rộng, tu bổ khuôn viên hồ đầu thôn… Tổng giá trị các công trình lên tới hơn 2,5 tỷ đồng đều từ nguồn xã hội hóa.
Giữ gìn danh hiệu
Ông Lưu Hữu Nhặn, Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết, mặc dù có nhiều biến động về kinh tế – xã hội nhưng trong suốt 30 năm qua, Xạ Sơn luôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa và có nhiều phong trào nổi bật ở địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Trở thành làng văn hóa đầu tiên là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm của mỗi người con Xạ Sơn. Nhiều nét đẹp văn hóa vẫn được lưu truyền cho con cháu, trong đó phải kể đến việc bảo tồn và duy trì đội tế đình theo nguyên bản cổ. Các trò chơi dân gian truyền thống, độc đáo được duy trì đã làm phong phú, đa dạng hoạt động của lễ hội.
Ông Trần Văn Sinh, một bậc cao niên trong thôn phấn khởi cho biết việc của làng cũng như việc của nhà. Mọi công trình phúc lợi trong thôn đều có sự đóng góp của người dân. Gần đây nhất là cải tạo bờ hồ khu vực đầu thôn để trở thành “công viên làng”. Các gia đình đều có kinh tế khá giả, con em có việc làm với thu nhập ổn định. Nhân dân tích cực lao động sản xuất, tham gia, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao rất nhộn nhịp. Các tệ nạn xã hội từ đó cũng được đẩy lùi… Đời sống của người dân trong thôn ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Kinh tế Xạ Sơn ngày càng phát triển với đa dạng ngành nghề. Từ xã thuần nông với thế mạnh là cây hành tỏi, Xạ Sơn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó chủ yếu là chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, kinh doanh hàng hóa thiết yếu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 80 triệu đồng/người, tương đương với thu nhập bình quân trong xã. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 88%, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,9%, cận nghèo ở mức 1%.
Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh, toàn thôn có trên 10 câu lạc bộ của các đoàn thể. Câu lạc bộ bóng đá nữ được thành lập. Sân bóng được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào thể dục, thể thao của thanh thiếu niên. Công tác khuyến học, khuyến tài được phát động sâu rộng. Thôn có 50/72 dòng họ có quỹ khuyến học…
“Với sự đoàn kết của bà con trong thôn cùng sự góp sức của con em xa quê, Xạ Sơn sẽ tiếp tục giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Các giá trị truyền thống tốt đẹp của thôn sẽ được gìn giữ qua nhiều thế hệ để Xạ Sơn xứng đáng với danh hiệu làng văn hóa đầu tiên của tỉnh”, anh Lực khẳng định.
TRẦN HIỀN
Nguồn: https://baohaiduong.vn/tro-lai-xa-son-lang-van-hoa-dau-tien-cua-tinh-403052.html