Phiên họp xem xét, cho ý kiến đối với 4 nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế; Dự án Luật Dữ liệu; Đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi).
Đây là phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật thứ 2 trong tháng 9 và là phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật thứ 10 trong năm 2024 của Chính phủ. Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng chỉ rõ, xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật là 1 trong 3 đột phá chiến lược vì thể chế vừa là nguồn lực, động lực cho sự phát triển.
Theo Thủ tướng, tại Hội nghị Trung ương 10, Trung ương đã thảo luận, cho thấy phải đẩy mạnh hơn nữa xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cùng với yêu cầu thực tiễn đặt ra, một trong lý do, cán bộ còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai chính là do thể chế. Do đó phải tháo gỡ về thể chế để cán bộ công chức dám làm, không sợ sai. Trung ương cũng nhất trí tăng cường con người, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ những người tham gia làm thể chế.
Thủ tướng nêu rõ tinh thần trong Hội nghị Trung ương 10 Khoá XIII là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tránh bất cứ việc gì cấp dưới cũng lên “xin” cấp trên mà phải căn cứ vào quy định. Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; căn cứ quy định Bộ Chính trị, Ban Bí thư để làm; không thể bất cứ vấn đề đề nhỏ dù gì cũng phải trình lên Trung ương quyết; đề nghị Bộ trưởng, lãnh đạo bộ, ngành, Thủ trưởng các cơ quan phải quán triệt tinh thần này để tháo gỡ, thúc đẩy phân cấp, phân quyền mạnh hơn, đi đôi phân bổ nguồn lực, đồng thời nâng cao trách nhiệm, năng lực thực thi từ cấp dưới.
Thủ tướng cho biết, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ chỉ ban hành cơ chế, định hướng, thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành chỉ làm vấn đề chiến lược, quy hoạch, định hướng chương trình, đường lối phát triển quan trọng cho đất nước, không nên sa vào những vấn đề cụ thể, dễ tạo môi trường “xin-cho”, tránh nảy sinh tiêu cực. Ngân sách Trung ương chỉ đầu tư các chương trình dự án liên vùng, quốc gia, quốc tế; chương trình, dự án cấp tỉnh do tỉnh, thành phố quyết định đầu tư; phải đẩy mạnh cải cách hành chính ngay trong xây dựng pháp luật, thể hiện ngay ở các quy định của Luật, Thông tư, Nghị định.
Bày tỏ không hài lòng về một số Nghị định đã giao một số bộ, ngành phải hoàn thành sớm mà đến nay chưa xong, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành phải nêu cao tinh thần vì nước, vì dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cho rằng thủ tục hành chính nội bộ vẫn còn rườm rà, Thủ tướng yêu cầu việc lấy ý kiến của các Thành viên Chính phủ nếu quá thời hạn không có phản hồi thì phải coi như là đồng ý. “Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng là thiểu số phục tùng đa số”, Thủ tướng lưu ý.
Nhằm tránh tình trạng càng ban hành luật lại càng khó làm, Thủ tướng yêu cầu xây dựng pháp luật để tăng cường quản lý nhưng phải kiến tạo môi trường phát triển chứ không phải thắt chặt, bó hẹp; khi sửa đổi luật thì phải mạnh dạn, vướng ở đâu tháo ở đó; các luật mà chồng chéo thì rất khó thực hiện, không khuyến khích được đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng pháp luật; ưu tiên nguồn lực con người, cơ sở vật chất, tài chính cho công tác này; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung dân chủ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; nếu ai sợ trách nhiệm thì “đứng sang một bên”. Các bộ, ngành khi trả lời phải cụ thể, không chung chung, phân công phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, không đùn đẩy trách nhiệm, trước mắt phục vụ tốt Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Nguồn: https://baohaiduong.vn/tranh-tinh-trang-bat-cu-viec-gi-cap-duoi-cung-len-xin-cap-tren-393817.html