Đang dạo bước trên lối mòn trong lâm phần Vườn quốc gia Yok Đôn, khu vực xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, voi cái H’Blú nhìn thấy thức ăn liền phát tín hiệu cho đồng loại của mình. Theo sau voi H’Blú, voi cái Khăm Phanh cũng nhanh chóng tiến về phía trước thưởng thức những cây chuối đã được chặt sẵn. Sau khi ăn xong, chúng đủng đỉnh tiến về bờ sông uống nước, tắm táp để du khách nhìn ngắm.
Mọi hoạt động của 2 con voi đều diễn ra một cách tự nhiên, không bị sự thúc ép hay hiệu lệnh của quản tượng. Khách tham quan đứng ở khoảng cách an toàn, theo dõi quá trình hoạt động của voi và nghe hướng dẫn viên giới thiệu về đặc điểm, thông tin và lịch sử huấn luyện, chăm sóc của mỗi con voi.
Chị Phan Ngọc Quế Lâm, du khách ở quận 11, TP Hồ Chí Minh tham gia trải nghiệm chia sẻ: “Cảm giác voi ở trong tự nhiên, chúng cảm thấy thoải mái thì chính bản thân tôi cũng cảm thấy thoải mái khi nhìn thấy được cái khung cảnh như thế. Voi là một loài động vật hoang dã mà có thể ở trong rừng thì cảm giác sẽ tự nhiên hơn. Được anh hướng dẫn viên chia sẻ nhiều thông tin về voi rất thú vị và mong muốn là mình được biết thêm nhiều hơn về chúng”.
Hoạt động trải nghiệm này là tour du lịch sinh thái thân thiện với voi do Vườn quốc gia Yok Đôn và Tổ chức Động vật châu Á phối hợp thực hiện từ giữa năm 2018. Với mục tiêu bảo tồn đàn voi nhà tại Đắk Lắk trước thực tế các cá thể voi ngày càng già yếu, mất tự do, kiệt sức. Hiện có 10 cá thể voi tham gia mô hình, trong đó có 6 voi cái thường xuyên tiếp xúc với du khách.
Theo anh Phạm Xuân Quỳnh, cán bộ dự án của Tổ chức Động vật châu Á, những cá thể voi tham gia chương trình đã thực sự được tự do trong môi trường bán hoang dã, thoát khỏi xiềng xích và khống chế của con người. Thay vì ngồi trên lưng voi, du khách được ngắm nhìn voi từ xa, theo dõi chúng ăn uống, tắm, ngủ, dạo chơi trong rừng… mà không tác động trực tiếp tới cuộc sống của chúng.
“Nài voi không có cầm theo móc sắt, không có cầm theo búa gỗ, chỉ có sử dụng phần thưởng hoặc là cho ăn để voi phối hợp. Mình sử dụng những biện pháp đấy dần dà sẽ giúp cho voi quay lại những bản tính tự nhiên của nó, nó sẽ biết được cần phải tìm thức ăn ở đâu, tự chữa bệnh ra làm sao, chăm sóc nhau thế nào. Dần dà thì tâm lý của voi thoải mái hơn thì sức khỏe nó tốt lên. Đồ ăn, đồ uống thì đúng như những gì nó cần; phúc lợi của voi được nâng cao”, anh Phạm Xuân Quỳnh cho biết.
Trong 6 năm qua Vườn quốc gia Yok Đôn tiếp đón du khách đến tham quan, trải nghiệm tour du lịch sinh thái thân thiện với voi. Năm 2023, tour trải nghiệm này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố là 1 trong 20 tour độc đáo nhất Việt Nam.
Anh Y Siêm Hđơk, hướng dẫn viên Vườn quốc gia Yok Đôn cho rằng việc công nhận này cho thấy mô hình không chỉ đem đến tác động tích cực tới loài voi và môi trường tự nhiên mà còn được du khách vô cùng yêu thích, ủng hộ. “Tour trải nghiệm voi hiện nay đang là tour thu hút khách du lịch ở trong và ngoài nước, mang lại giá trị nhân văn cho các cá thể voi. Trong quá trình trải nghiệm voi thì mình sẽ truyền tải những thông điệp cho khách du lịch thêm yêu loài voi”.
Cùng với mô hình du lịch thân thiện với voi, du khách khi đến Vườn quốc gia Yok Đôn cũng có thể trải nghiệm các hoạt động khác như: chèo thuyền trên sông Sêrêpôk, câu cá, cắm trại, ngắm và chụp ảnh các loài chim, đi bộ trong rừng, tìm hiểu hệ sinh thái rừng khộp…
Ông Vũ Đức Giỏi, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ, Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết, đơn vị đang nỗ lực đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm cũng như các sản phẩm hiện có để thu hút du khách. “Vườn cũng đã chia ra các tour trải nghiệm cùng voi nửa ngày hoặc cả ngày, hay các tour du lịch ngắn hơn để phù hợp với thời gian và điều kiện, nhu cầu du khách. Tới đây sau khi Đề án du lịch hoàn thiện, Vườn quốc gia Yok Đôn sẽ kêu gọi các nhà đầu tư vào liên doanh, liên kết hoặc là thuê môi trường rừng để người ta đầu tư vào phát triển du lịch sinh thái của vườn”.
Đa dạng sinh học và nhiều loài động, thực vật quý hiếm, Vườn quốc gia Yok Đôn là nơi có nguồn thức ăn, nước uống cũng như các điều kiện sinh cảnh phù hợp để đàn voi nhà ở Đắk Lắk thích nghi và quay trở lại với điều kiện sống bán hoang dã. Qua đó, tạo cơ hội để chúng được bảo tồn lâu dài, khỏe mạnh và tự do hơn, đồng thời cũng tạo nên một loại hình du lịch trải nghiệm độc đáo, riêng có khi du khách đến với Đắk Lắk.