Sáng 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giai đoạn 2018-2023”.
Tỷ lệ giảm đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương đang chậm lại
Báo cáo kết quả giám sát cho thấy, giai đoạn 2015 – 2021, nhiều ĐVSNCL đã được sắp xếp hợp lý hơn, hạn chế được tình trạng trùng lắp nhiệm vụ, thu gọn đầu mối vượt chỉ tiêu giảm 10% theo yêu cầu của Nghị quyết 19.
Theo số liệu của Chính phủ thì tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng số lượng ĐVSNCL là 48.442 đơn vị, giảm 7.449 đơn vị so với năm 2015 (13,33%).
Ở địa phương, số lượng ĐVSNCL giảm 13,46%, đạt mục tiêu đề ra nhưng có 20 tỉnh, thành có mức giảm dưới 10% như Bình Dương (0,19%); TP Hồ Chí Minh (1,2%)…
Ngược lại, có những tỉnh, thành có mức giảm rất cao như Sơn La (30,81%); Yên Bái (29,06%); Hoà Bình (28,93%)…
Ở Trung ương, số lượng ĐVSNCL giảm 7,4%, chưa đạt mục tiêu đề ra. Những cơ quan có tỷ lệ giảm cao như Bộ Ngoại giao (giảm 26,67%), Bộ Nội vụ (25%), Bộ Thông tin và Truyền thông (24,24%)…
Giai đoạn 2021 – 2023, kết quả thực hiện vẫn đang ở mức thấp so với mục tiêu. Hiện cả nước mới giảm 846 đơn vị so với năm 2021 (đạt ở mức 1,75%).
Trong giai đoạn này, tốc độ giảm ở Trung ương đang được đẩy nhanh hơn và có thể đạt mục tiêu giảm 10% vào 2025. Ngược lại, tỷ lệ giảm ở địa phương lại đang chậm lại (mới ở mức 1,67%).
Theo đoàn giám sát, đây là thách thức lớn để tiếp tục đạt được mức giảm 10% trong giai đoạn 2021 – 2025 do số lượng ĐVSNCL hiện đang chủ yếu tập trung ở địa phương.
12 tỉnh, thành tăng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước
Về biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các ĐVSNCL giai đoạn 2015 – 2021 có 1.789.585 người, giảm 236.366 người, tương ứng giảm 11,67% (trong đó, bộ ngành giảm 40.221 người, tương ứng 25,19%; địa phương giảm 196.145 người, tương ứng 10,51%), vượt mục tiêu 10%.
Như vậy, mức giảm biên chế sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước ở Trung ương nhiều hơn so với mức giảm ở địa phương. Đây là xu hướng trái ngược với mức độ giảm số lượng ĐVSNCL.
Đoàn giám sát nhận định, ở các cơ quan ở Trung ương tuy có tỷ lệ giảm số ĐVSNCL ít hơn so với ở địa phương nhưng lại có tỷ lệ giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước mạnh mẽ hơn.
Giai đoạn 2021 – 2023, đối với bộ, ngành, số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 11.021 biên chế, tương ứng giảm 9,22% so với năm 2021. Một số bộ, ngành giảm nhiều hơn do đã đẩy mạnh tự chủ ĐVSNCL, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công như Bộ Công Thương giảm 28,81%, Bộ Giao thông vận tải giảm 34,43%, Bộ Ngoại giao giảm 70,07%…
Đối với địa phương, đoàn giám sát cho hay, mức giảm trong 2 năm vừa qua đang khá khiêm tốn, thậm chí có đến 12 tỉnh, thành phố tăng số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn này.
Mức giảm trung bình số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước ở địa phương giai đoạn 2021-2023 chỉ đạt mức 1,42%, cách rất xa mục tiêu tiếp tục giảm 10% được đề ra.
Một kết quả đáng chú ý khác qua giám sát cho thấy, đến 31/12/2023, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo quy định ở các Bộ, ngành, địa phương là 89.576 người (Bộ, ngành: 5.917 người, chiếm 6,6% và địa phương: 83.659 người, chiếm 93,4%).
Nếu chia theo chính sách thì có 73.245 người nghỉ hưu trước tuổi, chiếm 81,77%; thôi việc ngay có 16.182 người, chiếm 18,06%; thôi việc sau khi đi học nghề 58 người, chiếm 0,06% và chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước 91 người, chiếm 0,1%.
Còn chia theo đối tượng được hưởng thì có khoảng 54% do xếp loại chất lượng hàng năm; 20% là do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự; do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ có khoảng 16% và các trường hợp còn lại 10%.
Việc sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông và các chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ trong các ĐVSNCL được nhiều địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.
Đáng chú ý có địa phương 3 trường có 1 kế toán; dịch vụ y tế thuê trực tiếp tại các phường, xã trên địa bàn (Long An); cắt giảm tối đa chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều điểm trường không có bảo vệ, việc quản lý tài sản công gặp nhiều khó khăn.
Qua khảo sát, nhiều địa phương ủng hộ việc tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường, có địa phương lại xác định việc tinh giản biên chế gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý và y tế học đường, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định và giảm theo lộ trình đối với các ĐVSNCL có sắp xếp hợp nhất, sáp nhập:
VN (theo Vietnamnet)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/tinh-gian-bien-che-73-245-nguoi-theo-dien-nghi-huu-truoc-tuoi-390644.html