Quốc hội chất vấn “tư lệnh” ngành ngân hàng, y tế
Sáng nay (11-11), kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV bắt đầu phiên chất vấn, trả lời chất vấn kéo dài gần 2 ngày.
Quốc hội chất vấn tập trung vào 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu mở đầu, kết thúc phiên chất vấn, đồng thời chủ trì điều hành chất vấn đối với từng lĩnh vực.
Trong sáng 11-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng là “tư lệnh” đầu tiên đăng đàn.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Quốc hội tập trung chất vấn về: việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động.
Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối. Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sẽ là vị “tư lệnh” ngành thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn, trong đó có vấn đề đảm bảo thuốc men, vật tư y tế…
FLC Faros có sếp mới 9X
Hội đồng quản trị CTCP xây dựng FLC Faros (ROS) vừa có quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Quốc Thi giữ chức vụ phó tổng giám đốc công ty kể từ ngày 8-11-2024.
Thông tin từ ROS cho biết ông Thi (sinh năm 1990) được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc CTCP đầu tư và khoáng sản FLC Stone hồi tháng 10 năm nay.
Liên quan đến biến động nhân sự FLC Faros, ông Mai Tiến Dũng (sinh năm 1976) đã trở thành tân tổng giám đốc của công ty này kể từ ngày 25-9.
Trước đó, ghế tổng giám đốc của FLC Faros chưa có người đảm nhiệm kể từ tháng 4-2022. Sau khi bà Hương Trần Kiều Dung – cựu chủ tịch công ty này – bị bắt, nhân sự của doanh nghiệp này có sự biến động mạnh.
Bà Nguyễn Bình Phương ngay sau đó đã thôi giữ chức tổng giám đốc và được bầu giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị từ tháng 4-2022. Đến tháng 11-2022, bà Phương lại thôi giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, ông Lê Tiến Dũng thay thế.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão Toraji, chủ động ứng phó
Ngày 10-11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An ban hành công điện số 10 gửi ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã ven biển; các sở, ngành và đơn vị liên quan chủ động ứng phó với bão Toraji.
Theo đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đề nghị ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã ven biển; các sở, ngành và cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão.
Đồng thời quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đài thông tin duyên hải Bến Thủy và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn Nghệ An tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Là một trong 28 tỉnh thành giáp biển của cả nước, Nghệ An có hơn 82km bờ biển, hơn 2.830 phương tiện tàu, thuyền của ngư dân 5 huyện, thị xã ven biển gồm các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc và 2 thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò.
Từ chiều 10-11, tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của bão Toraji.
Chủ tịch Hải Dương phê bình 3 huyện chậm ‘tiêu tiền’
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Hải Dương là 9.459,8 tỉ đồng. Đến ngày 31-10-2024 tỉnh đã giải ngân 3.288 tỉ đồng, đạt 34,8% so với tổng kế hoạch vốn thanh toán.
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước giải ngân 3.284,3 tỉ đồng, đạt 34,8% so với tổng vốn thanh toán và đạt 47,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (6.931,7 tỉ đồng).
Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh quản lý đã giải ngân 1.542,4 tỉ đồng, đạt 31,5%. Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện, cấp xã đã giải ngân 1.741,9 tỉ đồng, đạt 38,4%. Dự kiến khoảng 376,5 tỉ đồng không có khả năng giải ngân, trong đó vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh bổ sung có mục tiêu khoảng 185 tỉ đồng.
Tại cuộc họp tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án đầu tư công, ông Lê Ngọc Châu, chủ tịch UBND tỉnh, đã phê bình các địa phương có tiến độ triển khai dự án chậm và tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn rất thấp là các huyện Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ.
Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, cập nhật các khối lượng công việc có khả năng giải ngân vốn từ nay đến hết ngày 31-12-2024, để tăng tỉ lệ giải ngân nguồn vốn trong năm 2024.