Nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, hợp tác trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu mộc bản, ngày 26/11, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo quốc tế “Mộc bản – Di sản và công nghệ”.
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật nhận định: “Với vai trò là công cụ của kỹ thuật in ấn, mộc bản đã góp phần quan trọng vào việc chuyển tải tri thức và các giá trị văn hóa qua thời gian. Từ đó, có những đóng góp quan trọng vào sự tiến bộ của loài người”.
Mộc bản được biết đến là sản phẩm của loại hình kỹ thuật in ấn cổ xưa, xuất hiện sớm nhất trong các xã hội ở Đông Á, sau đó được mở rộng sang các khu vực khác trên thế giới.
Để tạo ra mộc bản, các nghệ nhân đã sử dụng các công cụ cắt, khắc một cách cầu kỳ những ký tự và hoa văn trên khối gỗ. Tiếp đến, họ sẽ thực hiện việc in ấn bằng mực trên chất liệu giấy hoặc vải.
Tiến sĩ Kang Bo Seung, giảng viên Đại học Quốc gia Kyungpook thông tin, mộc bản giữ vị trí quan trọng trong di sản văn hóa Hàn Quốc thông qua việc lưu giữ văn học, nghệ thuật và truyền bá tri thức. Có nhiều loại mộc bản khác nhau, mỗi loại được thiết kế riêng cho một mục đích cụ thể như: in khẩu hiệu, thư pháp, hình ảnh trên bìa sách hoặc thư từ.
Tại hội thảo, các học giả trong và ngoài nước đã lần nữa đánh giá vai trò của mộc bản. Nhiều nhà nghiên cứu đến từ các nước Đông Á – khu vực có truyền thống văn hóa mộc bản lâu đời cũng chia sẻ về câu chuyện lan tỏa, giá trị mộc bản giữa thời đại công nghệ phát triển.
Nhìn từ góc độ di sản, mộc bản ngày nay không chỉ nên được nhìn nhận như một phương tiện in ấn, trao truyền tri thức mà cũng cần được xem xét là hình thức biểu đạt nghệ thuật sinh động và trực quan.
Xét ở khía cạnh công nghệ, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo cho thấy nhiều cơ hội trong các hoạt động lưu trữ, phục hồi và bảo tồn mộc bản. Như vậy, công nghệ sẽ là “cánh cửa” để công chúng tiếp cận với loại hình kỹ thuật truyền thống này trên nền tảng số.
“Hiện nay, dù việc in ấn rất phát triển và phổ biến, song mộc bản vẫn sở hữu thị trường tiêu thụ riêng. Nếu biết tận dụng công nghệ, những giá trị văn hóa của người Việt được gìn giữ qua mộc bản sẽ được lan tỏa sâu sắc hơn nữa”, nghệ nhân Nguyễn Công Đạt, người kế thừa truyền thống làm mộc bản của gia đình ở làng nghề Thanh Liễu (tỉnh Hải Dương) khẳng định.
Thành lập từ năm 2015, Hiệp hội Mộc bản quốc tế tổ chức nghiên cứu và bảo tồn di sản mộc bản trên thế giới, tập trung vào khu vực Đông Á. Hội thảo được Hiệp hội Mộc bản quốc tế thực niên thường niên nhằm đóng góp thêm những góc nhìn mới, cũng như khẳng định vị thế và ảnh hưởng của mộc bản trên trường quốc tế.
TB (theo Báo Nhân Dân)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/tim-huong-lan-toa-gia-tri-moc-ban-trong-thoi-dai-so-399003.html