Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành chỉ thị ngày 22/2 về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.
Nâng cao trách nhiệm trong quản lý tài sản, vốn nhà nước
Theo đánh giá, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của doanh nghiệp nhà nước khoảng 1.652 triệu tỉ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế khoảng 125,8 triệu tỉ đồng, đóng góp ngân sách khoảng 166 triệu tỉ đồng, đều vượt 8% kế hoạch năm.
Doanh nghiệp nhà nước ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.
Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn một số hạn chế như: chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao, giải ngân vốn đầu tư chưa đạt kế hoạch đề ra, còn doanh nghiệp hoạt động thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế…
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quản lý vốn, tài sản của Nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu, người đại diện vốn nhà nước. Cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…
Nhiệm vụ tập trung là thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt gia tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo, các lĩnh vực mới nổi.
Ưu tiên tập trung đầu tư lĩnh vực kinh doanh chính, khắc phục đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả; sắp xếp tinh gọn bộ máy. Nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Phát huy vai trò dẫn dắt, tiên phong
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt trong nền kinh tế, bảo đảm là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế.
Với đầu tư hạ tầng, giao thông vận tải, doanh nghiệp nhà nước tập trung thực hiện mục tiêu hoàn thành trên 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025 và trên 5.000km đường bộ cao tốc vào năm 2030, các dự án giao thông trọng điểm…
Các tập đoàn công nghệ gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Gtel… đầu tư vào hạ tầng số; trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, công nghệ số và nền tảng số, nghiên cứu công nghệ mới nổi (chip bán dẫn…).
Các tập đoàn năng lượng gồm EVN đẩy nhanh tiến độ triển khai các đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), phấn đấu đưa vào khai thác trong tháng 6-2024.
EVN cùng các tập đoàn PVN, TKV và các đơn vị thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện 8, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc phát sinh trong các dự án điện khí.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu nhà nước tăng khả năng dự báo diễn biến giá thị trường thế giới, chủ động phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu, giảm bất lợi do biến động giá.
Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam chủ động, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tiếp tục phát huy thế mạnh sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ mủ cao su; đẩy mạnh hoạt động chế biến xuất khẩu gỗ, đồ gỗ.
T.H (theo Tuổi trẻ)