Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Văn phòng Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ tháp tùng Thủ tướng Chính phủ về thăm, làm việc tại Hải Dương.
Các đồng chí: Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan của Hải Dương đón tiếp, làm việc với đoàn.
Đề xuất thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương
Kiểm tra thực tế tại nút giao liên thông kết nối đường tỉnh 392 với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng ở xã Nhân Quyền (Bình Giang), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nghe lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo việc hoàn thành nút giao và đề xuất thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Hải Dương đã phối hợp triển khai đầu tư xây dựng 2 nút giao nối với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức xã hội hóa bằng sản phẩm. Đó là nút giao kết nối đường tỉnh 392, huyện Bình Giang và nút giao kết nối đường 390, huyện Thanh Hà với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Trong đó, nút giao ở huyện Bình Giang đã thông xe ngày 5/2 vừa qua. Các nút giao trên đưa vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Hải Dương và các tỉnh, thành phố dọc trục cao tốc gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình.
Để phát huy hiệu quả khai thác 2 nút giao trên phục vụ phát triển kinh tế – xã hội liên vùng các tỉnh phía Bắc và của tỉnh, tỉnh Hải Dương đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh phối hợp với các bộ, ngành Trung ương lập đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh tại huyện Bình Giang – Thanh Miện; cho phép điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu đất đai của Hải Dương để tỉnh có cơ sở triển khai Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh và các dự án quan trọng khác của tỉnh đã được quy hoạch.
Sau khi nghe báo cáo đề xuất ý tưởng của tỉnh Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh tiếp tục nghiên cứu việc đề xuất thành lập Khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý việc lập quy hoạch cần nghiên cứu đến yếu tố tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng; đồng bộ về hệ thống hạ tầng giao thông; tạo ra không gian phát triển mới cho tỉnh và khu vực…
Hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ mới vào sản xuất
Sau khi kiểm tra thực tế tại nút giao liên thông kết nối đường tỉnh 392 với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến động viên nông dân sản xuất đầu năm và thăm mô hình cấy lúa bằng máy ở xã Hưng Long (Ninh Giang). Cánh đồng cấy lúa bằng máy ở Hưng Long được áp dụng đồng bộ công nghệ tiên tiến trong sản xuất lúa, gồm 3 công nghệ: Cấy lúa bằng máy cấy Kubuta công suất lớn; cấy lúa bằng máy cấy Kubuta có gắn thiết bị không người lái; cấy lúa bằng máy cấy dắt tay nhỏ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp lái máy cấy; thăm khâu sản xuất giá thể mạ khay. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương chính quyền địa phương, hợp tác xã và nông dân đã tích cực triển khai, áp dụng mô hình cấy máy bằng mạ khay vào sản xuất nông nghiệp, giúp giảm chi phí, giảm bất lợi của thời tiết, đẩy nhanh thời vụ, tăng năng suất lao động và năng suất lúa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị cấp ủy, chính quyền từ tỉnh xuống xã có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ mới vào sản xuất lúa, xây dựng thương hiệu lúa gạo nói riêng, nông sản nói chung. Đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp cả về “đầu vào” và “đầu ra” sản phẩm. Cần có sự đổi mới, thay đổi cách làm để giảm chi phí sản xuất, đồng thời tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả canh tác, tạo sức cạnh tranh cho nông sản. Quan tâm phát triển các hợp tác xã để hỗ trợ nông dân, thực hiện liên kết giữa các hợp tác xã. Thực hiện tốt liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp; quy hoạch các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung. Mỗi cấp chính quyền cần chủ động làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo cấp trên giải quyết. Ngoài phát triển sản xuất nông nghiệp, hệ thống chính trị trong tỉnh cần có nhiều biện pháp nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lì xì, tặng quà đầu xuân cho nhiều nông dân đang trực tiếp sản xuất.
Sau đó, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tới dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu di tích tượng đài Bác Hồ ở xã Hiệp Lực (cùng huyện Ninh Giang) và đề nghị xã Hiệp Lực cần quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị to lớn của khu di tích này.
Có cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp về vốn, phát triển thương hiệu
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Dương đi thăm vùng sản xuất cà rốt tập trung tại xã Đức Chính (Cẩm Giàng).
Hải Dương hiện có khoảng 2.600 ha trồng cà rốt, trong đó trong tỉnh có 1.500 ha và 1.100 ha do nông dân Hải Dương đi thuê đất trồng ở tỉnh ngoài. Sản lượng cà rốt đạt khoảng 139.000 tấn với tổng giá trị đạt khoảng 950 tỷ đồng. Cà rốt trồng tại Cẩm Giàng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Tại xã Đức Chính, diện tích trồng cà rốt khoảng 360 ha, sản lượng 15.000 tấn. Toàn bộ cà rốt trồng tại xã và 60% diện tích trồng ở nơi khác được mang về xã sơ chế, phân loại, đóng gói phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã xuống ruộng thăm hỏi, tặng quà động viên và cùng nông dân xã Đức Chính thu hoạch cà rốt. Thủ tướng nhấn mạnh các cấp ủy, chính quyền ở Hải Dương cần chú trọng, có cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp về vốn, phát triển thương hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng cà rốt và các loại nông sản của địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ. Người dân cũng cần chủ động liên kết với nhau, với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đẩy nhanh ứng dụng khoa học – kỹ thuật để nâng cao hiệu quả canh tác, chế biến và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác và các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đến thăm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính. Đơn vị này đang quản lý, vận hành xưởng sơ chế cà rốt do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ với công suất 50 tấn/ngày. Mỗi vụ cà rốt, HTX sơ chế được khoảng 9.500 tấn; doanh thu khoảng 33 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Hàn Quốc, Trung Đông, Nhật Bản, Malaysia… với sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 6.100 tấn/năm.
Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng các đồng chí lãnh đạo cắt băng chúc mừng xuất khẩu lô hàng cà rốt đầu xuân Giáp Thìn 2024.
Đây là lần thứ hai trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thăm, làm việc tại Hải Dương. Ngày 10/1/2024, Thủ tướng về dự, chỉ đạo Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư.
NHÓM PV