7 tháng gấp gần 7 lần cả năm trước
Nếu năm 2023, Hải Dương mới có 50 cá nhân kinh doanh thương mại điện tử kê khai và nộp tổng số 2,7 tỷ đồng tiền thuế thì riêng tháng 7/2024 con số này đã là 263 cá nhân kê khai, nộp tổng số thuế 2,466 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh có 413 cá nhân hoạt động thương mại điện tử kê khai nộp thuế, với tổng số thuế là 17,785 tỷ đồng, gấp gần 7 lần năm trước.
Cũng từ đầu năm đến nay, các chi cục thuế đã đưa 205 trường hợp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử vào lập bộ thuế khoán hằng tháng, số thuế khoán thu được 270 triệu đồng mỗi tháng.
TP Hải Dương là địa bàn kê khai, nộp thuế thương mại điện tử nhiều nhất. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thuế TP Hải Dương đã hướng dẫn thêm 66 cá nhân kê khai, nộp thuế, gồm cả 1 cá nhân cung cấp dịch vụ, sản phẩm nội dung thông tin số như quảng cáo, phần mềm, bản quyền…
Như vậy, đến nay trên địa bàn TP Hải Dương có 126 hộ, cá nhân kê khai với doanh thu tính thuế trên 400 tỷ đồng. Thuế thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đầu năm đến ngày 22/8 đạt gần 8,4 tỷ đồng, gấp trên 3,7 lần cùng kỳ năm trước và chiếm 47% số thu thuế thương mại điện tử toàn tỉnh.
Tăng cường quản lý cơ sở dữ liệu thương mại điện tử
Kết quả bước đầu nói trên là do sự quyết liệt, đồng bộ trong triển khai thực hiện công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ các nhóm đối tượng người nộp thuế, tăng cường khai thác, rà soát cơ sở dữ liệu thương mại điện tử. Ngành thuế tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại điện tử, tăng cường quản lý thuế lĩnh vực dịch vụ truyền hình, truyền thông, sáng tạo nội dung phát sinh thu nhập từ quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng xuyên biên giới, tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng mạng xã hội…
Hệ thống cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử đã được Tổng cục Thuế thu thập, vận hành và phân quyền khai thác cho cơ quan thuế địa phương phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Đến nay, ngành thuế đã hoàn thành trên 90% việc rà soát, đồng bộ cơ sở dữ liệu của Bộ Công an với cơ sở dữ liệu về mã số thuế để triển khai việc chuyển đổi sử dụng căn cước công dân làm mã số thuế theo quy định; hoàn thành việc tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) với các nền tảng quản lý thuế của cơ quan thuế.
Tại Hải Dương, Cục Thuế tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, các ngân hàng thương mại, các đơn vị chuyển phát để nắm thông tin, doanh thu bán hàng của các tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa trên nền tảng số, mạng xã hội. Qua đó xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh này. Việc rà soát, đối chiếu, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, danh sách thông tin của các cá nhân bán hàng trên sàn thương mại điện tử (do Tổng cục Thuế cung cấp), khai thác dữ liệu trên ứng dụng kho cơ sở dữ liệu tập trung ngành thuế (ứng dụng DW) do các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin đã có kết quả tích cực.
Từ đầu năm đến nay đã có 383 sàn giao dịch hoạt động thương mại điện tử cung cấp thông tin trên cổng thông tin thương mại điện tử, tăng 22 sàn so với số lượng sàn cung cấp thông tin lũy kế trong giai đoạn từ quý IV/2022 đến quý IV/2023. Qua rà soát thông tin do sàn cung cấp, Cục Thuế tỉnh đã yêu cầu bổ sung thông tin bảo đảm đầy đủ, sát với thực tế phát sinh trên toàn quốc. Đã có 18/361 sàn thực hiện việc cung cấp lại thông tin bảo đảm đúng, đủ theo quy định.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc quản lý thuế thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn gặp một số khó khăn. Kinh doanh thương mại điện tử có quy mô hoạt động rộng trên môi trường internet, dễ dàng thay đổi, che giấu, xóa dữ liệu giao dịch hoặc giao dịch ảo.
Nhiều đối tượng kinh doanh thương mại điện tử khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn không đúng thực tế. Nhiều cá nhân, hộ kinh doanh online nhưng các giao dịch lại thông qua người giao hàng để thu tiền. Vẫn còn nhiều cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhưng cơ quan thuế chưa liên hệ được để đưa vào diện quản lý thuế và thu thuế do không có địa chỉ rõ ràng, không có thông tin số điện thoại. Nhiều trường hợp mã số thuế do Hải Dương cấp nhưng lại kinh doanh tại địa bàn các tỉnh khác và sử dụng giao dịch bằng tiền mặt nên chưa đủ cơ sở để cơ quan thuế mời lên làm việc, xác định doanh thu tính thuế…
Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu hoàn thành việc chia sẻ cơ sở dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; 130 tổ chức hoạt động viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; 144 triệu tài khoản thanh toán của các tổ chức, cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.
THÀNH LONG
Nguồn: https://baohaiduong.vn/thu-thue-thuong-mai-dien-tu-o-hai-duong-chuyen-bien-tich-cuc-391521.html