Buổi sáng, nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe các nội dung: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Nội dung 2: Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: (i) Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (ii) Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Buổi chiều, nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 423 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 88,31% tổng số đại biểu Quốc hội), có 421 đại biểu tán thành (bằng 87,89% tổng số Quốc hội), có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,21% tổng số Quốc hội), có 1 đại biểu không biểu quyết (0,21% tổng số Quốc hội).
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 422 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 88,10% tổng số Quốc hội), có 413 đại biểu tán thành (bằng 86.22% tổng số Quốc hội), có 6 đại biểu không tán thành (bằng 1,25% tổng số Quốc hội), có 3 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,63% tổng số Quốc hội).
Nội dung 3: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 12 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu; trong đó các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: phạm vi điều chỉnh; sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; áp dụng pháp luật; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất; các hành vi bị cấm; Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất; trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất; quy định đối với dự án hóa chất; khai báo hóa chất nhập khẩu; vận chuyển, tồn trữ hóa chất; Giấy chứng nhận sản xuất, kinh doanh hóa chất có điều kiện; quy định về hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất cấm; quản lý hóa chất mới; phiếu an toàn hóa chất; quy định chung về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa; cơ sở dữ liệu hóa chất; yêu cầu về cơ sở vật chất – kỹ thuật, chuyên môn trong hoạt động hóa chất; khoảng cách an toàn; trách nhiệm phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; trách nhiệm bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng; quản lý nhà nước về hóa chất; điều khoản chuyển tiếp.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ hai, ngày 25/11/2024, buổi sáng: Quốc hội nghỉ. Buổi chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, tiến hành các nội dung: thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững và thảo luận về nội dung này.
T.H (theo TTXVN)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/thong-cao-bao-chi-so-24-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-398727.html