Tai họa ập xuống
Gần 21 giờ, màn đêm kéo xuống, chị Cao Thị Yên, sinh năm 1979 ở thôn Phương Tân, xã Kim Liên (Kim Thành) tất tả về nhà sau một ngày dài làm việc. Hết việc công ty, chị lại về nhà chăm sóc đứa con 17 tuổi bị tai nạn giao thông nằm liệt một chỗ.
Tối 22/6 vừa qua, cháu Trần Đức Nguyên, sinh năm 2007 con của chị Yên cùng 2 người bạn trong thôn đi xe máy lên TP Hải Dương chơi. Khi đi qua đoạn đường gần khách sạn Trường Thành thì không may bị tai nạn. Cháu Nguyên bị tổn thương dây thần kinh sọ não, vỡ đốt sống lưng và gãy tay.
Đôi mắt đỏ hoe, ngân ngấn nước, chị kể: “Hơn 2 tháng trời nằm viện, cháu như người thực vật, nằm không biết gì, mắt không mở, ăn uống hoàn toàn bằng ống thông. Nhà neo người nên sau một thời gian điều trị ở Bệnh viện Việt Đức, gia đình tôi xin chuyển cháu về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương để tiện chăm sóc”. Đến tháng thứ 3, tình hình sức khỏe của Nguyên đã có tiến triển, cháu không còn phải ăn bằng ống thông, mắt đã mở nhưng vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo, thỉnh thoảng lên cơn đau lại la hét, quát nạt, đánh chị gái.
Người ta bảo “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu” nhưng vụ tai nạn giao thông đã khiến con trai chị Yên từ một người khỏe mạnh, lành lặn thành người thực vật 60 ngày. Đến nay, sau gần 5 tháng, cháu vẫn phải nằm một chỗ. Nếu không bị tai nạn, năm học này Nguyên đã lên lớp 12. Giờ cháu phải nghỉ học, bao nhiêu dự định, tương lai đành tạm gác lại.
Cách đây 10 năm, anh Trần Văn Hiến, sinh năm 1980, chồng chị Yên lâm bệnh, lúc nhớ lúc quên, thỉnh thoảng lại bỏ nhà đi vài ngày mới về. Từ đó, bao nhiêu công việc trong gia đình một tay chị Yên lo liệu. Kinh tế đã khó khăn, nay tai nạn ập xuống, chị Yên phải chạy đôn chạy đáo vay mượn anh em họ hàng để có tiền chạy chữa cho con. Tiền chữa bệnh cho cháu đã lên tới hàng trăm triệu đồng.
Ngày đêm túc trực chăm con ở viện, người mẹ 45 tuổi nhiều lúc kiệt sức nhưng chị tự dặn lòng cố gắng vượt qua. Anh em họ hàng bên nội, bên ngoại cũng hỗ trợ giúp đỡ gia đình chăm sóc cháu. Chi phí mổ 2 đốt cột sống cho Nguyên khoảng 180 triệu đồng nhưng kinh tế gia đình đã kiệt quệ. Chị Yên vẫn hằng ngày cố gắng tăng ca nhưng số tiền lương công nhân của chị chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. “Cháu vẫn phải điều trị lâu dài, không biết tương lai sẽ như thế nào. Nếu không được phẫu thuật có thể cháu sẽ bị thương tật suốt đời. Gia đình rất mong các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân giúp đỡ để cháu có cơ hội được phẫu thuật”, chị Yên nghẹn ngào nói.
Cú sốc tinh thần
Trải qua “thập tử nhất sinh”, anh Trần Hưng sinh năm 1969, ở phường Thái Học (Chí Linh) sống sót sau vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 10/9. Nhưng vụ tai nạn giao thông đã khiến anh bị thương tật hơn 86 %.
Sáng hôm đó, cũng như mọi ngày, anh Hưng đi xe máy điện chở cháu ngoại 3 tuổi đi chơi. Khi đến ngã tư thôn Tân Trường thì bị xe ô tô do một người đàn ông 48 tuổi ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) lái đâm trúng. Cháu gái 3 tuổi bị thương nhẹ, còn anh Hưng bị chấn thương sọ não, dập não trái.
Chị Vũ Thị Nhàn sinh năm 1969, vợ anh Hưng cho biết: “Chồng tôi bị tai nạn, hôn mê 20 ngày. Đến nay đã hơn 2 tháng điều trị, chạy chữa khắp nơi, bệnh tình đã tiến triển nhưng mọi việc vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào người thân”. Đến nay, một bên đầu của anh Hưng vẫn còn lõm chưa thể cấy não.
Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình từ việc chăn nuôi gà. Từ ngày anh Hưng bị tai nạn, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, chị Nhàn hết ở viện lại về nhà túc trực chăm sóc chồng. Chi phí điều trị cho anh Hưng đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngôi nhà của anh chị vốn bình yên, tai nạn ập đến gây nhiều xáo trộn.
Thời gian tới, anh Hưng sẽ vẫn phải tiếp tục điều trị, phẫu thuật thêm nhiều lần nữa. Thời gian hồi phục sức khỏe không thể tính bằng tháng, mà phải tính bằng năm, thậm chí nhiều năm. Tai nạn giao thông không chỉ khiến anh Hưng bị những cơn đau về thể xác mà còn gây ra những cú sốc về tinh thần cho anh và người thân khó có thể nguôi ngoai.
Vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 18/5/2024 ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) đã khiến cháu H.Đ.T. sinh năm 2014, Trường Tiểu học Tứ Minh bị thương phải cắt cụt chân trái. Trưa hôm đó, T. chở bạn đi chơi bằng xe đạp trên đường Vũ Công Đán thì bị ô tô tải thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ cán qua chân.
Từ ngày T. bị tai nạn, mẹ cháu là chị Lê Thị Khắc đang làm công ty phải nghỉ ở nhà để chăm sóc con. Dù luôn ở bên động viên để cháu không buồn bã, nhưng vẫn không tránh khỏi những lúc cháu chạnh lòng, tự ti. Cháu T. vẫn đến trường nhưng đi lại khó khăn không thể hoạt động, vui chơi như các bạn. Dù được gia đình, nhà trường, bạn bè quan tâm, động viên nhưng cháu T. vẫn thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Thương tật mất đi chân trái là cú sốc tinh thần khó có thể vượt qua đối với bất kỳ ai. Đối với một cháu bé như T. khó khăn càng nhân lên gấp bội, bởi lẽ để có thể thích nghi với cuộc sống sau tai nạn cần thời gian và cần cả ý chí, nghị lực.
Tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mệnh của rất nhiều người, khiến nhiều gia đình gánh chịu những mất mát, đau thương, nhiều người chịu nỗi đau về thể xác, khủng hoảng về tinh thần. Bởi vậy, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông là trách nhiệm của mỗi người dân, cùng chung tay đẩy lùi tai nạn giao thông để không phải chứng kiến những thảm cảnh đau lòng mà tai nạn giao thông gây ra.
10 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hải Dương xảy ra 581 vụ tai nạn và va chạm giao thông làm 195 người chết, làm 494 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023 tăng 290 vụ (99,7%), tăng 71 người chết (9,6%), tăng 312 người bị thương (171,4%).
PV
Nguồn: https://baohaiduong.vn/thoat-chet-nhung-thanh-nguoi-khuyet-tat-sau-tai-nan-giao-thong-398198.html