Mong chờ sự bứt phá
Mặc dù từ đầu tháng 5 đến nay, chưa có nhiều thông tin khả quan tác động tích cực đến thị trường, nhưng trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 6/5, TTCK đã có phiên tăng điểm mạnh nhờ các cổ phiếu chứng khoán dẫn dắt. Theo đó, kết phiên chiều ngày 6/5, VN-Index đã tăng 20,55 điểm, lên 1.241,58 điểm; HNX-Index tăng 4,56 điểm, lên 232,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 1.001 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị thanh khoản 23.804,75 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xét về nền tảng tháng 4, thị trường đã có diễn biến khốc liệt với cú giảm mạnh của VN-Index từ 1.270 điểm xuống vùng 1.180 điểm. Nguyên nhân là vì TTCK Việt Nam chứng kiến nhiều thông tin tiêu cực. Một trong số đó là áp lực tỷ giá căng thẳng, tác động xấu đến thị trường tiền tệ – ngân hàng; đồng thời gián tiếp thúc đẩy đà bán ròng miệt mài của khối ngoại với tổng lượng bán thêm hơn 5.100 tỷ đồng trên toàn thị trường trong tháng 4.
Việc VN-Index để mất vùng 1.250 điểm khiến chỉ số mất động lực hình thành uptrend, nhưng lực cầu gia tăng trở lại tại vùng 1.160 – 1.180 điểm cũng cho thấy đây là điểm hỗ trợ đáng tin cậy. Chỉ số dự báo sẽ dao động trong vùng giá 1.150 – 1.250 điểm để tích lũy trở lại và quá trình này sẽ kéo dài sau diễn biến giảm điểm vừa qua.
Sang tháng 5, thị trường chứng khoán thế giới vẫn có nhiều biến số cần theo dõi. Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định lần thứ 5 giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại và dù cảnh báo lạm phát vẫn còn quá cao, định chế này cũng đồng thời bác bỏ khả năng tăng lãi suất trong tháng 6.
Với quyết định này, lãi suất chính sách của Mỹ hiện nay tiếp tục dao động trong khoảng 5,25 – 5,5%, là mức cao nhất trong 23 năm và được duy trì kể từ tháng 7/2023. Điều này cũng đồng nghĩa, khả năng lãi suất chưa sớm giảm như kỳ vọng và điều này có thể tạo áp lực với tỷ giá trong nước.
Ngoài ra, dòng tiền lớn vẫn chưa thấy quay trở lại. Có thể thấy, sự phân hoá trong nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đang khá phổ biến thể hiện chưa có sự đồng thuận về xu thế, thời điểm tạo đáy để kết thúc nhịp điều chỉnh hiện tại cũng chưa rõ ràng.
Trưởng phòng Chiến lược thị trường DSC Nguyễn Lê Nguyên Vĩ cũng cho rằng, mặc dù hiện tại không còn tin xấu, nhưng việc hấp thụ các thông tin không mấy tích cực trước đó cũng đủ sức nặng để ép VN-Index giảm sâu hơn mức đáy cũ 1.170 điểm, do thiếu động lực để kỳ vọng cho sóng tăng mới. Chẳng hạn, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm đã phá vỡ xu hướng giảm dài hạn từ năm 2022, tức kỳ vọng của thị trường là mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng tăng dần trong thời gian tới. Khi lãi suất tăng lên, thì những tài sản mang tính rủi ro cao như cổ phiếu sẽ bớt dồi dào thanh khoản, cũng như định giá thị trường chứng khoán bớt hấp dẫn hơn.
Nhìn chung, ông Nguyễn Lê Nguyên Vĩ vẫn giữ quan điểm, nhịp giảm vừa qua là cơ hội đầu tư tốt nhất trong năm 2024, nhưng cần phải tính toán kỹ điểm mua vào để tiết kiệm chi phí và thời gian. Với nền tảng vĩ mô hiện tại, DSC đang nghiêng về kịch bản VN-Index cần có thêm thời gian để cân bằng và tích lũy trong biên độ khoảng 1.170 – 1.250 điểm; mặt bằng thanh khoản trên HOSE dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp, 10.000 – 15.000 tỷ đồng/phiên trong vài tuần tới.
“Sell in May” có về?
Trong khi thị trường đang thiếu thông tin tích cực, thì tháng 5 lại thêm tâm lí áp lực của các nhà đầu tư về hiệu ứng “Sell in May”. Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Giám đốc Khối Phân tích và Đầu tư, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định, TTCK đã có nhịp hồi phục đáng kể trong các tháng đầu năm 2024 và vượt mức đỉnh trung hạn đạt được cuối tháng 9/2023 trong nửa đầu tháng 4. Do đó, thị trường đã điều chỉnh mạnh sau khi đã tăng đủ thời gian và biên độ.
Sang tháng 5, thông thường hiệu ứng “Sell in May” là do thị trường bước vào giai đoạn khá trống thông tin do hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 1 và kế hoạch cả năm trong đại hội cổ đông, điều đã phản ánh vào giá từ trước đó.
Ngoài ra, hiện nay tại Mỹ, chỉ số DJI cũng đang có trạng thái điều chỉnh ngắn hạn trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) tăng cao. Nếu trạng thái này chuyển sang điều chỉnh trung hạn thì sẽ có thể ảnh hưởng tới tiêu cực tới TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thùy Linh không đánh giá cao kịch bản diễn ra Sell in May năm nay do một số yếu tố. Thứ nhất, mặt bằng lãi suất ngân hàng dù có dấu hiệu tăng trở lại nhưng vẫn đang ở mức thấp kỷ lục, hỗ trợ cải thiện lợi nhuận doanh nghiệp và giúp TTCK duy trì sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Thứ hai, thị trường đã điều chỉnh mạnh trong tháng 4 và đang nỗ lực cân bằng trở lại. Cuối cùng là xung đột Israel – Iran được kiểm soát, giá vàng thế giới giảm và các động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán ngoại tệ và vàng ra thị trường giúp hạ nhiệt tỷ giá và giá vàng trong nước.
Dù vậy, TTCK vẫn chưa đi vào pha tăng trưởng thực sự. Về mặt kỹ thuật, từ năm 2023 đến nay, chỉ số VN-Index đang tạo vùng cấu trúc đi ngang biên độ giá trung hạn 200 – 240 – 260 điểm. Do đó, trong ngắn hạn, các nhịp điều chỉnh có thể diễn ra với biên độ rộng, nhất là với các cổ phiếu chưa có yếu tố cơ bản hỗ trợ.
Với phân tích tổng quan đó, trong tháng 5, ABS Reseach dự báo VN-Index sẽ dao động trong vùng từ 1.130 đến 1.250 điểm. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng việc tạo đáy ngắn hạn của thị trường với các nhịp tăng ngắn hạn, nhưng đây sẽ là quãng thời gian giao dịch khá khó khăn.
Trong khi đó, theo Maybank Investment Bank, thị trường trong tháng 5 sẽ có sự cân bằng tốt hơn so với giai đoạn điều chỉnh mạnh của tháng 4 vừa qua. Mặc dù vậy, tháng 5 cũng là giai đoạn vùng trũng của thông tin, quá trình cân bằng và hồi phục sẽ diễn ra với tốc độ chậm, không loại trừ khả năng vẫn sẽ có áp lực chốt lời trong giai đoạn đầu tháng 5 nên hiệu ứng “Sell in May” vẫn có thể xảy ra.
Về mức điểm thấp nhất của VN-Index, đường giá có thể có đoạn kiểm tra lại vùng đáy liền trước 1.170 điểm và mức cao nhất trong tháng 5 theo kỳ vọng sẽ là khu vực 1.235 điểm.
Với các phân tích thị trường trong ngắn hạn, bà Nguyễn Thị Thùy Linh cho rằng, nhà đầu tư cần đánh giá thực chất trong tháng 5 và tháng 6 tới, VN-Index đã điều chỉnh xong chưa để quyết định chuyện giao dịch hay đầu tư. Trước mắt, nhà đầu tư nên chọn vị thế phòng thủ và nên giao dịch với vị thế ngắn hạn cho tới khi tín hiệu tăng trung hạn diễn ra.
Các nhóm ngành có triển vọng 2024 tích cực sẽ là các ngành được hưởng lợi từ chính sách của Chính phủ, tình hình vĩ mô, giá cả hàng hóa, chu kỳ tăng trưởng hoặc có câu chuyện riêng… Dự báo các ngành có kết quả kinh doanh 2024 tăng trưởng cao hơn thị trường chung bao gồm: chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp, cao su, vật liệu xây dựng, hàng xuất khẩu (thủy sản, đá xây dựng…), công nghệ – viễn thông…
Còn theo khuyến nghị của Maybank Investment Bank, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, cần có thêm thời gian để tâm lý thị trường “cảm thấy ổn” nếu có xuất hiện trở lại một số đợt nhích tăng về mặt bằng lãi suất. Do đó, một chiến lược nghiêng về phòng thủ sẽ vẫn là lựa chọn phù hợp. Nhóm ngành công nghệ, bán lẻ, chứng khoán và ngân hàng có thể quan tâm.
Ngoài ra, hầu hết công ty chứng khoán khác cũng khuyến nghị, trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên tập trung vào tái cơ cấu danh mục khi thị trường có nhịp hồi phục sau đợt chỉnh sâu vừa qua; đồng thời hạ tỷ trọng cổ phiếu, chỉ nên tham gia khoảng 20 – 30% giá trị tài sản thuần (NAV) khi dòng tiền thị trường còn yếu như hiện nay.
Chiến lược có thể tham khảo thêm là mua cổ phiếu tốt với định giá hợp lý để hưởng cổ tức tiền mặt và triển vọng tăng giá trong tương lai. Các doanh nghiệp này có ngành nghề kinh doanh ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế.
Về điểm số, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4/2024, VN-Index đạt 1.209,52 điểm, VNAllshare đạt 1.243,09 điểm và VN30 đạt 1.240,5 điểm, giảm lần lượt 5,8%, 5,3% và 4,4% so với cuối tháng 3/2024. Tuy nhiên, so với cuối năm 2023, các chỉ số lần lượt tăng 7%, 7,7% và 9,6%.
Trong tháng 4, trừ chỉ số ngành công nghệ thông tin (VNIT) và chỉ số ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 5% và 2,1%, các chỉ số ngành còn lại đều ghi nhận sự giảm điểm như ngành bất động sản (VNREAL) giảm 9,4%, ngành năng lượng (VNENE) giảm 6,7% và ngành công nghiệp (VNIND) giảm 6,7% so với tháng 3/2024.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu cũng ghi nhận sự sụt giảm trong tháng 4 với khối lượng giao dịch (KLGD) bình quân đạt hơn 843 triệu cổ phiếu/ngày, giá trị giao dịch (GTGD) bình quân đạt hơn 21.374 tỷ đồng/ngày; giảm lần lượt 16,3% về khối lượng và 19,3% về giá trị bình quân so với tháng 3/2024.
Về giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW), thanh khoản thị trường CW trong tháng 4/2024 ghi nhận KLGD bình quân đạt trên 59,3 triệu CW/ngày với GTGD bình quân đạt 45,6 tỷ đồng/ngày; tương ứng giảm 10,3% về khối lượng và giảm 26,4% về giá trị bình quân so với tháng 3/2024.
Khối lượng và GTGD chứng chỉ quỹ ETF vẫn tiếp tục tăng trưởng. KLGD bình quân đạt 11,33 triệu ETF, tương ứng GTGD bình quân hơn 271,1 tỷ đồng, tăng lần lượt 38,4% về khối lượng và 26,6% về giá trị bình quân so với tháng 3/2024.
Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, tổng GTGD của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 4/2024 đạt trên 89.397 tỷ đồng, chiếm hơn 11% tổng GTGD cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 3.211 tỷ đồng.
Về quy mô thị trường, tính đến hết ngày 26/4/2024, có 568 mã chứng khoán đang niêm yết và giao dịch trên HOSE, gồm 398 mã cổ phiếu, 4 mã chứng chỉ quỹ đóng, 15 mã chứng chỉ quỹ ETF và 151 mã chứng quyền có bảo đảm với tổng khối lượng chứng khoán niêm yết đạt trên 157 tỷ chứng khoán.
Giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HOSE đạt hơn 4,92 triệu tỷ đồng, giảm 5,8% so với tháng 3/2024 và hơn 8,07% so với cuối năm 2023, chiếm hơn 94% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường và tương đương 48,2% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành).
Về hoạt động niêm yết, trong tháng 4/2024, trên HOSE có 1 mã cổ phiếu chứng chỉ quỹ ETF mới được niêm yết và chính thức đưa vào giao dịch của Quỹ ETF KIM GROWTH VN DIAMOND, mã chứng khoán FUEKIVND.
Đến hết tháng 4/2024, có 39 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD trên HOSE, trong đó có 2 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID).