Các doanh nghiệp của Hải Dương nỗ lực vượt khó để duy trì việc làm cho người lao động
Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là yếu tố quan trọng giúp giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nên nửa nhiệm kỳ qua, Hải Dương tích cực triển khai nhiều giải pháp xây dựng thị trường lao động thích ứng, năng động.
Vượt thách thức
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác giải quyết việc làm cho người lao động của Hải Dương gặp không ít khó khăn. Dịch Covid-19 bủa vây, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Người lao động nghỉ việc thực hiện cách ly, phong tỏa. Không ít quốc gia trên thế giới ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam tới làm việc khiến Hải Dương cũng bị ảnh hưởng…
Dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế của tỉnh bước vào giai đoạn phục hồi thì suy thoái kinh tế thế giới lại tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là ở các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, sử dụng nhiều lao động. Tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên diễn ra ở một số doanh nghiệp. Những khó khăn từ nội tại và bên ngoài đã khiến người lao động bị ảnh hưởng. Những chính sách giải quyết việc làm đã và đang được tỉnh triển khai cũng phải đối diện với những khó khăn mới.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, địa phương, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từng bước được triển khai đã giúp giảm những tác động tiêu cực đến người lao động.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động kết nối, xây dựng kế hoạch và có giải pháp cụ thể đẩy mạnh chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có hợp đồng. Từ năm 2020 đến tháng 6.2023, Hải Dương đã đưa hơn 27.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Một số thị trường lao động mới, an toàn, thu nhập cao như Đức, Australia cũng được các doanh nghiệp kết nối để đưa lao động của tỉnh sang làm việc thông qua hình thức thực tập sinh.
Việc làm cho lao động trong nước cũng được quan tâm. Số lao động được giải quyết việc làm không ngừng tăng lên. Năm 2020, Hải Dương đã giải quyết việc làm cho hơn 35.000 lao động (tương đương năm 2019), năm 2021 có hơn 36.000 lao động (tăng gần 3% so với năm 2020), năm 2022 tạo việc làm mới cho hơn 41.000 người (tăng gần 14% so với năm 2021).
Theo đánh giá của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng, những nỗ lực trong giải quyết việc làm của Hải Dương trong suốt nửa nhiệm kỳ qua đã góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và từng bước thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Trung tâm Dịch vụ việc làm – Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương tổ chức nhiều sàn giao dịch, tìm kiếm việc làm cho người lao động
Huy động mọi nguồn lực
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở Hải Dương được triển khai hiệu quả nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc nhanh chóng của các địa phương, đơn vị liên quan. Cùng với tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh huy động nhiều nguồn lực để tạo việc làm, ổn định đời sống nhân dân.
Trong giai đoạn dịch bệnh, các đơn vị làm nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm linh hoạt triển khai các chương trình kết nối, hỗ trợ người lao động tìm việc trực tuyến. Sau khi dịch Covid-19 tạm ổn, hàng loạt các sàn giao dịch trực tiếp và lưu động được mở lại nhằm kết nối cung cầu lao động hiệu quả. Các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ… được mở ở nhiều nơi. Công tác hướng nghiệp, dạy nghề được đẩy mạnh.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hải Dương đã tổ chức 140 sàn giao dịch việc làm, hỗ trợ tìm việc làm mới cho hơn 6.000 lao động. Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, người lao động trong tỉnh đã được vay hơn 335 tỷ đồng để thực hiện các dự án việc làm. Các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp học nghề cho lao động được giải quyết kịp thời.
Hải Dương không chỉ tạo điều kiện việc làm cho lao động trong tỉnh mà còn là nơi tiếp nhận nhiều lao động từ các tỉnh khác, nhất là những tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Tại nhiều địa phương, công tác khuyến công, khuyến nông được triển khai đồng bộ, góp phần tạo việc làm, giảm tình trạng thất nghiệp ở cả nông thôn và thành thị.
Nhiều doanh nghiệp dù khó khăn về đơn hàng nhưng luôn nỗ lực tìm mọi biện pháp để duy trì việc làm cho người lao động. Không ít doanh nghiệp chấp nhận làm các đơn hàng nhỏ, lãi ít để có việc làm ổn định. Các doanh nghiệp tận dụng mạng xã hội để giao lưu, tìm kiếm nguồn nhân lực trong bối cảnh dịch bệnh. Khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp ngoài cố gắng tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường nhưng không quên quan tâm, chăm lo đến đời sống của người lao động, hạn chế để lao động phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm. Anh Đoàn Quang Huấn, cán bộ công đoàn Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (khu công nghiệp Đại An) cho biết doanh nghiệp huy động mọi nguồn lực để duy trì đơn hàng, không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Các phúc lợi của người lao động cơ bản vẫn được bảo đảm. Từ sau dịch bệnh đến nay, người lao động của công ty có việc làm ổn định và thu nhập tốt.
Nhờ sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, hỗ trợ kịp thời từ các chính sách an sinh của Chính phủ, nửa nhiệm kỳ qua dù khó khăn, thách thức lớn nhưng tỷ lệ lao động thất nghiệp của Hải Dương giảm nhanh từ 3,8% (năm 2020) xuống còn 1,5% vào năm 2022. Tỷ lệ thiếu việc làm từ 2,9% (năm 2020) giảm còn 1,2% vào năm 2022. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, với nhiều giải pháp đồng bộ, Hải Dương sẽ vượt mục tiêu giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, lao động thiếu việc làm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra lần lượt ở mức 3-4% và 2%.
Nửa nhiệm kỳ tới dự báo còn không ít khó khăn và trở ngại đòi hỏi Hải Dương phải quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn cho chính sách việc làm. Tiếp tục có sự bứt phá trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp.