Diện mạo xã nông thôn mới Thanh Hải (Thanh Hà) hôm nay
Thu nhập cao
Một trong những yếu tố làm nên sự thay đổi lớn ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đồng đất đơn sơ, những nhà màng, nhà lưới được xây dựng trải rộng khắp cánh đồng ở đây không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đây cũng là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhiều nhất tỉnh với gần 13 ha.
Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc HTX Tân Minh Đức là một trong những người đi đầu thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Ông Thư chia sẻ: “Chắc ít nơi nông dân có thu nhập cao như ở xã Phạm Trấn. Ở đây, mỗi ha trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới nông dân thu lãi từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng/năm. Do đó, chúng tôi cũng có điều kiện để kiến thiết quê hương, xây dựng đường làng, ngõ xóm và nhiều công trình phúc lợi khác”.
Quả vậy, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 65 triệu đồng. Phạm Trấn đã trở thành một địa phương có nền nông nghiệp thông minh, hiện đại bậc nhất trong tỉnh. Xã hoàn thành tất cả 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, Phạm Trấn tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Nếu như Phạm Trấn xác định nông nghiệp là trụ cột kinh tế để phát triển thì xã Cộng Hòa (Kim Thành) lại phát triển đa dạng ngành nghề. Trên địa bàn có gần 20 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như may mặc, giày da, cơ khí và gần 400 hộ kinh doanh, dịch vụ. Đặc biệt, có gần 50 hộ thường xuyên sơ chế, kinh doanh hành tỏi lâu năm đã tạo việc làm thường xuyên cho người dân trong và ngoài xã. Trong đó có 20 hộ sản xuất, kinh doanh với quy mô khá lớn.
Ở nông thôn, nhiều câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao hoạt động thường xuyên, nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe nhân dân
Ông Đào Quang Thảnh, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết ở giai đoạn trước, sản xuất, thu nhập là một trong những tiêu chí khó thực hiện, khó duy trì thì ở giai đoạn này đã không còn khó như trước. Bởi khi xác định xây dựng nông thôn mới, địa phương hướng tới mục tiêu nâng cao mức sống của người dân bằng việc phát triển đa dạng các ngành nghề nông thôn. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn dưới 1%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 70,7 triệu đồng/năm. Đây cũng là “đòn bẩy” để thực hiện các tiêu chí khác. Đến nay, xã đã hoàn thành tất cả 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Xã Nam Trung (Nam Sách) cũng là một trong những địa phương có sự thay đổi cả về chất và lượng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ông Nguyễn Văn Bền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Trung chia sẻ: “Địa phương đã đạt các mục tiêu lớn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hạ tầng nông thôn được nâng tầm, nhiều khu dân cư mới được quy hoạch với giao thông mở rộng và kết nối với các đường trục chính từ xã đến huyện. Cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 68 triệu đồng/năm”. Nam Trung là một trong những địa phương có thu nhập cao của huyện. Đời sống tinh thần của người dân cũng có bước thay đổi với nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển sâu tới các thôn, xóm…
Diện mạo mới, sức sống mới
“Văn minh, hiện đại” là điều dễ thấy ở nhiều làng quê Hải Dương hiện nay. Ở giai đoạn trước, nông thôn Hải Dương có sự thay đổi lớn về diện mạo thì nay việc phát triển đã đi vào chiều sâu.
Hải Dương là một trong 5 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hải Dương tại lễ công bố quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới hồi tháng 3.2023, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tỉnh luôn quán triệt sâu sắc các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Hải Dương xác định: “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015) đến Đại hội XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), bên cạnh công tác xây dựng Đảng là then chốt, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Phong trào xây dựng nông thôn mới rộng khắp đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, bảo đảm đồng bộ, quyết liệt để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, xây dựng nông thôn mới với diện mạo mới, sức sống mới”.
Cơ sở vật chất, trường học ở nhiều xã nông thôn mới được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn và triển khai kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 với 11 nội dung, các chương trình chuyên đề. Dự kiến hết năm 2023, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2025 có 107 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và theo dự báo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thì tỉnh sẽ đạt mục tiêu này). Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2023 ước tăng 4,3%/năm (giá trị tăng thêm tăng 3,9%/năm, mục tiêu Đại hội tăng 2,64%/năm); giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản tăng nhanh, từ 167 triệu đồng năm 2020 ước đạt 195 triệu đồng/ha năm 2023 (mục tiêu Đại hội 210 triệu đồng/ha)…
Phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn này chú trọng phát triển về chất nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững…