Rộn tiếng cười con trẻ
“Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa/ Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ/Ta vẫn vượt qua…”. Theo tiếng hát, tôi đến ngắm những em bé đang say sưa hát ở Trường Tiểu học Song Tử Tây. Ngắm những đôi mắt trong veo, những bàn tay mũm mĩm xinh yêu vỗ theo tiếng nhạc, tôi như được trở về thế giới trẻ thơ trong trẻo.
Chiều tan học, các bé ùa ra khỏi lớp, tha hồ đạp xe, đá bóng, chạy nhảy, nô đùa… Tiếng cười con trẻ rộn vang trên đảo.
Phan Trần Mẫn Nhi, Phan Gia Phát sống cùng bố mẹ ở đảo Song Tử Tây đều đang học tại trường tiểu học. Cả 2 bé đều chỉ gặp lần đầu đã thuộc luôn tên của khách và quấn quýt như người nhà. Nhi dẫn chúng tôi đi khắp đảo, ríu rít giới thiệu về cây, về quả, về đồ chơi, trường học… Chị Trần Thị Liên, mẹ của Mẫn Nhi cho biết, các bé ở đảo đều rất khỏe, ít ốm vặt. Được tha hồ chạy nhảy, vui chơi nên các bé tự tin làm quen, kết thân với mọi người. Các bé thuộc tên nhiều cán bộ, chiến sĩ trên đảo và vui vẻ chào hỏi tất cả mọi người. Mẫn Nhi đang học lớp 1 và ước mơ của con là trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ. Sang học kỳ 2, Mẫn Nhi đã đọc nhanh, viết đẹp, đặc biệt thuộc nhiều bài hát về Trường Sa.
Bạn và cũng là hàng xóm của Mẫn Nhi là hàng chục bạn nhỏ theo bố mẹ đến từ các vùng quê khác nhau nhưng nay đều chung lớp, chung trường.
Ở Sinh Tồn, các em bé đều được coi là con chung của các gia đình. Các em thoải mái sang nhà nhau chơi chung đồ chơi, cùng ăn quà bánh, chia nhau sách bút… Không thấy bé nào “ôm” điện thoại.
Trí Nguyên, 8 tuổi, đang học lớp 4 ở Trường Tiểu học Sinh Tồn, học giỏi cả tiếng Anh, tin học nhưng đặc biệt mê vẽ. Thấy khách đến nhà, Trí Nguyên nhanh nhẹn mang tặng khách 1 bức tranh em mới vẽ về các chú bộ đội hải quân đang ôm súng canh giữ biển trời Tổ quốc. Trí Nguyên và nhiều em bé khi được hỏi có muốn về đất liền không đều lắc đầu, nói muốn ở đảo cùng bố mẹ.
Niềm vui trong veo
“Nếu có tiền bạn có thể đưa các con đi du lịch nước ngoài, đi Sa Pa, Đà Lạt nhưng không dễ để đưa được các con đến Trường Sa”, đó là tâm sự của chị Mai Thị Út Lan – một người dân trên đảo Sinh Tồn. Chị Lan vốn là giáo viên dạy ngoại ngữ tại một trường học ở Khánh Hòa đã theo chồng đến Sinh Tồn sinh sống. Chị mong muốn cho con có trải nghiệm đặc biệt trong cuộc đời, muốn con có môi trường trong lành để phát triển. Và con trai chị quả thật đã có hạnh phúc khác biệt với những em bé trong đất liền. Em được hít thở hằng ngày bầu không khí trong lành giữa biển khơi, được học hành trong trường lớp đủ đầy, không nghiện điện thoại, không phải học thêm ngày này qua ngày khác…
Thầy giáo Bùi Tiến Anh, 26 tuổi thương các em bé thiệt thòi hơn bạn cùng trang lứa ở đất liền nên càng dốc lòng chỉ bảo, dạy dỗ các bé ở đảo Song Tử Tây. Thầy vừa dạy trẻ mầm non, vừa dạy lớp tiểu học. Mong học sinh năng động, tự tin trong giao tiếp, thầy dạy các bạn nhỏ chào hỏi từng người, vui vẻ hát hò, đọc sách, tự do bộc lộ năng khiếu… Không phụ công thầy, tất cả các em bé ở đảo đều lễ phép, biết chào hỏi, thưa gửi đàng hoàng với người lớn; biết nhường nhịn, vui chơi cùng nhau hằng ngày.
Ở đảo, có những “chồi non” đang nhú lên. Chị Bùi Thị Kim Ngọc ở đảo Sinh Tồn đang mang thai con thứ hai được 3 tháng. Chồng chị, anh Lê Thanh Tuấn mong vợ khỏe mạnh từng ngày để được đón em bé chào đời như một dấu ấn đặc biệt của vợ chồng anh trên đảo. Họ đang cùng chăm chút, trông mong một khởi đầu mới.
Anh Nguyễn Văn Phụng, nhiếp ảnh gia, hội viên Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh đã ghi lại vô số bức ảnh đẹp ở quần đảo Trường Sa, nhưng anh rất thích những tấm ảnh chụp các em bé đang học bài, nô đùa. Đó là những hình ảnh đọng lại trong anh nhiều cảm xúc nhất. “Những em bé thời không có 4.0, tung tăng, hồn nhiên vui chơi trên đảo cho tôi cách diễn đạt câu nói yêu Tổ quốc theo cách giản dị, gần gũi, dễ hiểu nhất”, anh Phụng tâm sự.
Tôi nhớ đêm trên đảo Sinh Tồn, bên bếp lửa bập bùng luộc nồi bánh chưng của quân dân xã đảo chuẩn bị đón Tết, tôi thì thầm dạy và cô bé SuSi nhanh chóng thuộc lòng câu hát: “Như một hòn bi xanh/Trái đất này quay tròn/Căn nhà ta nằm nhỏ/Trong lòng một quê hương…”.
———————-
Bài 3: Tình đồng hương siết chặt
LINH AN