Năm 2024, với tinh thần quyết tâm cao, sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, Hải Dương đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội. Nhân dịp năm mới 2025, Báo Hải Dương phỏng vấn đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2025.
– Năm 2024, Hải Dương đã vượt qua thách thức, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của tỉnh Hải Dương trong năm qua?
– Năm 2024, một năm với nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen; nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh Hải Dương đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đặt ra, trong đó có một số kết quả ấn tượng nổi bật:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức 2 con số, tăng 10,2% so với năm 2023, đứng thứ 6 cả nước (tăng 7 bậc so với năm 2023) và đứng thứ 3 trong vùng đồng bằng sông Hồng. Thu ngân sách nhà nước cán mốc 30.000 tỷ đồng, tăng trên 50% so với dự toán. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10,3 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2023; tổng kim ngạch nhập khẩu 8,3 tỷ USD, tăng 10,4%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 64.360 tỷ đồng, tăng 12,1%; thu hút đầu tư trong nước 11.489 tỷ đồng, gấp 1,2 lần năm 2023; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 718,1 triệu USD.
Tỉnh đã tập trung đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là công trình giao thông trọng điểm, quan trọng kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển mới như 13 dự án thuộc 4 trục giao thông kết nối vùng (tổng vốn đầu tư 9.128 tỷ đồng). Hoàn thành đưa vào sử dụng công trình trọng điểm đường trục Bắc – Nam huyện Thanh Miện (tổng mức đầu tư 397,8 tỷ đồng); đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37, TP Chí Linh (tổng mức đầu tư 469,8 tỷ đồng).
Nhiều chính sách về an sinh xã hội được tỉnh ban hành để người dân thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế như: Chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ đối với nguồn nhân lực y tế tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; cơ chế hỗ trợ thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ người lao động đã qua đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương; chính sách đặc thù hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khoẻ đối với người có công với cách mạng; chính sách hỗ trợ thành viên thuộc hộ nghèo, hộ thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Hải Dương…
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Chất lượng giáo dục tiếp tục được khẳng định, nằm trong tốp đầu toàn quốc về thành tích học sinh giỏi quốc gia. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,2% (năm 2023 là 1,37%). Lĩnh vực lao động – việc làm được quan tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao được tổ chức sâu rộng với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đặc sắc, thiết thực, bảo tồn, khai thác phát huy những giá trị đặc trưng của không gian lịch sử, văn hóa Xứ Đông.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện; bộ máy chính quyền các cấp, từ tỉnh đến cơ sở từng bước được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; dân chủ được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân, doanh nghiệp phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, chung sức đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh.
– Ngoài những kết quả phát triển kinh tế – xã hội nổi bật nêu trên, theo đồng chí đánh giá, tỉnh còn những hạn chế, khó khăn gì?
– Qua đánh giá, việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 của tỉnh còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Đó là hoạt động đầu tư và phát triển doanh nghiệp tuy có khởi sắc nhưng chưa như kỳ vọng; hoạt động của các khu công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế vốn có của tỉnh; một số dự án còn chậm tiến độ, sử dụng đất chưa hiệu quả, có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí. Một bộ phận cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số kết quả còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển…
– Đề nghị đồng chí cho biết năm 2025, UBND tỉnh Hải Dương có những giải pháp trọng tâm gì để phát triển kinh tế – xã hội?
– Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của nhiệm kỳ, phải tăng tốc, bứt phá, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cả nhiệm kỳ 2020 – 2025, vừa phải thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy; vừa phải tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây là những nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp phải chung tay thực hiện, nắm lấy thời cơ tốt nhất đưa Hải Dương phát triển hơn, tiến sớm hơn đến mục tiêu là tỉnh công nghiệp hiện đại trước năm 2030.
Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh phải đổi mới tư duy, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới. Vì vậy, năm 2025, UBND tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kết luận số 97-KL/TW ngày 5/10/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về kinh tế – xã hội năm 2024-2025, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 và các chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024. Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Xây dựng kịch bản chi tiết điều hành kinh tế – xã hội để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10% (phấn đấu đạt 12%), thu ngân sách nội địa tăng trên 10%. Chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường đầu tư kinh doanh. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sự bứt phá nhanh, bền vững trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương; tạo nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ đất đai.
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của tỉnh đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục ưu tiên triển khai một số dự án giao thông trọng điểm góp phần tạo hạ tầng đồng bộ, kết nối liên tỉnh, liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Triển khai các dự án lớn tạo bước phát triển bứt phá về kinh tế – xã hội và diện mạo đô thị như: Dự án hạ tầng Khu kinh tế chuyên biệt, Dự án Khu liên hiệp văn hóa thể thao, các dự án khu đô thị, khu du lịch văn hóa kết hợp nghỉ dưỡng quy mô lớn…
Cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mạng lưới giáo dục và đào tạo, gắn với thực hiện tốt mục tiêu xây dựng xã hội học tập; làm tốt công tác đào tạo nghề để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn mới. Củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của hệ thống y tế công lập từ tỉnh đến cơ sở; thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển mạnh các cơ sở y tế tư nhân chất lượng cao. Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chú trọng thực hiện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Trước mắt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” theo chỉ đạo của Trung ương; bảo đảm sau khi sắp xếp, bộ máy mới tốt hơn bộ máy cũ, hoạt động nền nếp, phát huy hiệu lực, hiệu quả; chuẩn bị tốt nhất các mặt công tác để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Với khát vọng phát triển, quyết tâm đổi mới, tăng tốc bứt phá cùng với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, tạo tiền đề vững chắc đưa tỉnh Hải Dương cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
– Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!
KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI NĂM 2024, MỤC TIÊU NĂM 2025
KẾT QUẢ NĂM 2024
– Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 10,2%.
– Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 64.360 tỷ đồng, tăng 12,1%.
– Thu ngân sách nhà nước tăng 46,7% so với dự toán.
– Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 22.934 tỷ đồng, tăng 1,9%.
– Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 387.871 tỷ đồng, tăng 14,8%.
– Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10,3 tỷ USD tăng 8,6%.
– Thành lập mới 2.000 doanh nghiệp, tăng 6,2%.
– Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số đạt 93,75%, tăng 1,15%.
– Tỷ lệ người lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội ước đạt 53%, tăng 8%.
– Tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 còn 1,2%, giảm 0,17%.
MỤC TIÊU NĂM 2025
– Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trên 10%.
– Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với GRDP đạt 30%.
– Thu ngân sách nội địa tăng trên 10% so với dự toán.
– Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 212 triệu đồng.
– Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt 20,2%.
– Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10% so với thực hiện năm 2024.
– Tỷ lệ đô thị hóa đạt 45% trở lên.
– Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 33%.
– Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 55%.
– Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số đạt 95%.
– Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia: mầm non 79,7%, tiểu học 98,7%, THCS 95%, THPT 90,2%.
– Số giường bệnh (không tính các trạm y tế cấp xã) đạt 33,8 giường/vạn dân; 13 bác sĩ/vạn dân.
– Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm còn 0,43%.
– 100% số cụm công nghiệp (có chủ đầu tư hạ tầng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu.
– Tỷ lệ các dự án thuộc đối tượng được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đạt 100%.
(Nghị quyết số 111 ngày 11/12/2024 của HĐND tỉnh Hải Dương)
PV (thực hiện)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/tao-tien-de-moi-dua-hai-duong-cung-ca-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-401551.html