Tăng trưởng xanh gắn với các khu công nghiệp sinh thái
Giới thiệu với PV về mô hình doanh nghiệp “xanh”, ông Phan Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec (Khu công nghiệp An Phát – Hải Dương) – một trong những KCN đang phát triển nhanh theo hướng sinh thái, khẳng định: “Chúng tôi lấy từ đất thứ gì, chúng tôi trả lại đất thứ đó, không chỉ truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong KCN, chúng tôi mang mô hình này đi đầu tư ở các tỉnh khác”.
Ông Phan Hồng Điệp cũng cho rằng, hiện nay, trong xu thế phát triển bền vững, doanh nghiệp (DN) đang đẩy mạnh tiết kiệm nguồn tài nguyên nước sạch, xây dựng chuỗi giá trị công nghiệp…
“Trong tất cả các khu công nghiệp (KCN) đều có rác thải sinh hoạt. Theo đúng quy định, phải có một đơn vị ngoài KCN đem rác thải sinh hoạt này đi xử lý, nhưng chúng tôi đã quan tâm đầu tư máy tự phân hủy rác thải hữu cơ của Nhật Bản về để xử lý. Chúng tôi phấn đấu đến hết năm 2024 đạt zero rác thải ở khu KCN, rác thải sẽ được xử lý 100%” – ông Điệp nói.
Còn theo ông Bruno Jaspaert – CEO Deep C (KCN Nam Cầu Kiền – Hải Phòng), các nguyên tắc phát triển hiện nay của DN này đều theo hướng đảm bảo thu hút các nhà đầu tư muốn đến đầu tư vì năng lực cung cấp cho họ khả năng tiếp cận các dịch vụ liên quan đến ESG (các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị – PV), đến chứng chỉ carbon, các sáng kiến để các nhà đầu tư có thể báo cáo với cấp quản lý rằng hoạt động đầu tư của họ có hiệu quả, không chỉ hiệu quả về mặt lợi nhuận mà cả việc thực hiện trách nhiệm xã hội.
“Chúng tôi có dự án DEEP C Care và mời gọi các nhà đầu tư cùng tham gia, chúng tôi quản lý và vận hành chương trình đảm bảo mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Các sáng kiến này đều đảm bảo rằng: Chúng tôi phát triển một KCN không nhờ giá cho thuê đất rẻ mà vì chúng tôi theo định hướng xanh nhất và bền vững nhất” – ông Bruno nói.
Theo bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), áp dụng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam đang là giải pháp hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, được các cơ quan liên quan tập trung xây dựng chính sách, quy định, tiêu chí, tăng cường lập quy hoạch, quản lý… cho KCN sinh thái; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phương thức sản xuất sạch, an toàn; đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật, tiếp cận tài chính ưu đãi đầu tư sử dụng hiệu quả tài nguyên…
Gỡ các “nút thắt” để phát triển các KCN sinh thái
Chia sẻ với PV, ông Bruno Jaspaert cho hay, vấn đề lớn nhất là Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng nhưng các quy định pháp luật lại chưa theo kịp tốc độ đó. Vì thế nếu muốn xây dựng một khu công nghiệp bền vững thì vẫn làm được nhưng mất rất nhiều thời gian và công sức.
“Tôi có thể lấy một ví dụ là để xin được giấy phép thi công lắp đặt cột điện gió này chúng tôi đã phải mất ba năm vì Việt Nam chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật về lắp đặt cột điện gió trong khu công nghiệp. Ở châu Âu, các bạn có thể thấy các cột điện gió được lắp đặt dọc đường cao tốc, trong các khu công nghiệp. Nhưng ở Việt Nam để làm được điều này thì không phải dễ vì quy định pháp luật chưa theo kịp. Đó là một trong những lý do tại sao khó làm, lý do khác nữa là vấn đề này khá mới mẻ ở Việt Nam” – ông Bruno nói.
Cũng theo ông Bruno Jaspaert, công nghiệp sinh thái mặc dù đang hình thành và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, nhưng vẫn có quá nhiều điều mới mẻ mà không thể một sáng một chiều có thể ứng dụng.
“Tại thời điểm này tôi có thể nói là chưa hề có một ưu đãi nào cho các khu công nghiệp sinh thái, tôi hy vọng sau này tình hình sẽ khác đi” – ông Bruno nói.
Ông Bruno Jaspaert – CEO Deep C cho biết: “Chúng tôi có nhà máy xử lý nước thải có khả năng xử lý để chất lượng nước thải sau xử lý còn tốt hơn chất lượng nước thô, nhưng như vậy chúng tôi cũng chưa thể đưa nước thải đã qua xử lý quay trở lại quy trình sản xuất công nghiệp mặc dù các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp sẵn sàng tái sử dụng nước thải đã qua xử lý này”.