Trải qua 4 nhà tù
Hai lần bị địch bắt, bị tù đày ở 4 nhà tù đế quốc: Hải Phòng, Hỏa Lò, Côn Đảo, Sơn La, đồng chí Lê Thanh Nghị vẫn luôn vững vàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì cách mạng. Năm 2023, trong dịp công bố, giới thiệu bộ sách về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Lê Thanh Nghị, phóng viên Báo Hải Dương may mắn được gia đình đồng chí tặng cuốn sách “Đồng chí Lê Thanh Nghị – Nhà chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh”. Phần một cuốn sách là những dòng hồi ký của đồng chí Lê Thanh Nghị về những chặng đường hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, công tác đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng bất khuất, vinh quang. Đọc những dòng hồi ký của đồng chí giúp chúng ta hiểu thêm, khâm phục khí chất người cộng sản, một lòng kiên trung với cách mạng của vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu.
Trong nhà tù Sơn La, đối diện với những “con thú đi hai chân”, nhiều thời điểm tính mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu… vẫn luôn luôn kiên trung, trung thành với Đảng, Tổ quốc.
“Hạnh phúc lớn nhất lúc này là đến lượt mình được ra hớp một chút không khí trong lành”, đồng chí Lê Thanh Nghị đã viết như vậy khi nhớ về sự kiện oanh liệt ngày 13/5/1941 tại nhà tù Sơn La. Đó là cuộc đấu tranh tuyệt thực để đòi lại quyền lợi cho tù nhân và đưa tù nhân lên khỏi hầm ngầm. Trưa 13/5/1941, đồng chí Lê Thanh Nghị và các đồng chí của mình tuyên bố nhịn ăn. Ngay lập tức, tên Công sứ Cút Xô đã ra lệnh dồn 156 người xuống giam tại hầm ngầm. Tiếp đó y ra lệnh: “Không cho lọt một hạt cơm, giọt nước vào hầm ngầm. Nếu ai trái lệnh sẽ bị xử bắn tại chỗ”. Dưới căn hầm vốn đã thiếu ánh sáng, ẩm ướt, nay biến thành một cái lò nung người, ngột ngạt, hôi hám khiến cho nhiều người bị kiệt sức. Đến ngày thứ 7, dù các đồng chí tuyên bố dừng đấu tranh để bảo toàn lực lượng, Cút Xô vẫn cố tình nhốt mọi người thêm 5 ngày nữa và tiếp tục tìm mọi cách để sát hại.
Hết ngày thứ 12, bước sang ngày thứ 13 chúng mới đưa tù nhân lên khỏi hầm ngầm. “Sau mười hai ngày nhịn ăn, nằm dưới hầm tối, nhiều anh em hai chân bị tê dại, không lê bước nổi. Tôi và một số anh em còn tương đối khỏe, xốc nách các anh em khác loạng choạng đi lên… Cuộc đấu tranh tạm thời thất bại, nhưng không phải là vô ích. Chúng tôi rút được nhiều kinh nghiệm quý báu để tiến hành những đợt đấu tranh để đi đến thắng lợi về sau”, đồng chí Lê Thanh Nghị viết như vậy về sự kiện mãi in đậm trong lịch sử cách mạng.
Biến nhà tù thành trường học cách mạng
Mùa xuân năm 1940, Chi bộ Nhà tù Sơn La được bí mật thành lập. Đồng chí Tô Hiệu được cử làm Bí thư Chi bộ. Đến giữa năm 1941, khi sức khỏe đồng chí Tô Hiệu yếu, đồng chí Lê Thanh Nghị được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ (đồng chí làm Bí thư Chi bộ đến đầu năm 1945). Đây cũng là giai đoạn hoạt động nổi bật, thành công nhất của Chi bộ.
Với tiền đề vững chắc do các thế hệ đảng viên đi trước gây dựng, đồng chí Lê Thanh Nghị đã chỉ đạo hoạt động toàn diện trong nhà tù mang lại hiệu quả, trong đó có nhiệm vụ huấn luyện đảng viên, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.
Cùng với huấn luyện cách mạng, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã đặt những nền móng quan trọng xây dựng vùng cách mạng Tây Bắc. Đầu năm 1943, Chi bộ chính thức thành lập được 2 cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù, tổ chức và huấn luyện được đội vũ trang Mường Chanh, tổ chức vũ trang đầu tiên chuẩn bị cho thời cuộc mới của cách mạng. Chi bộ Nhà tù Sơn La cũng được Trung ương Đảng công nhận là Chi bộ đặc biệt do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo và giao đồng chí Bình Phương làm liên lạc với đồng chí Lê Thanh Nghị.
Tại Nhà tù Sơn La, với vai trò là Bí thư Chi bộ, đồng chí Lê Thanh Nghị là người chỉ đạo tổ chức vượt ngục thành công để đưa 4 đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu và Nguyễn Văn Trân về với cách mạng. “Được tin này, chúng tôi rất vui, còn bọn thống trị thì từ khi bị mất tù, chúng lồng lộn lên… Đối với tù nhân, một mặt, chúng phân tán những người bị án nặng đưa đi các nhà tù khác, mặt khác, chúng canh phòng cẩn mật những người còn lại”, đồng chí Lê Thanh Nghị viết trong hồi ký về sự kiện trên.
Những năm tháng gian lao nhưng oai hùng trong nhà tù Sơn La chỉ là chặng đường ngắn trong cuộc đời cách mạng của đồng chí Lê Thanh Nghị. Nhớ về những năm tháng gian khổ cùng cực ở nhà tù Sơn La, đồng chí Lê Thanh Nghị viết trong hồi ký: “Đối với những người tù cộng sản, cuộc sống ở Sơn La tuy gian khổ mà vẫn vui, và cũng như bất cứ nhà tù nào khác, niềm vui đó bắt nguồn từ thế giới quan, nhân sinh quan cộng sản, từ tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu nhân loại, sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc của những người lao động”.
Trong 78 năm cuộc đời, trải qua 60 năm cống hiến cho cách mạng, đồng chí Lê Thanh Nghị luôn là tấm gương sáng, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất, mẫu mực, trọn đời trung thành với Đảng, cống hiến cho nhân dân, đất nước.
Cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị (6/3/1911-16/8/1989) tên thật là Nguyễn Khắc Xứng, quê ở thôn Thượng Cốc, xã Gia Khánh (Gia Lộc, Hải Dương). Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1928 và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Sinh thời, đồng chí giữ nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước. Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, III, IV, V; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa III, IV; đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa II đến khóa VII.
HOÀNG BIÊN