Một thời ngập lụt, đói khổ
Làng Mỹ Xá, xã Minh Tân (Nam Sách) nằm ở ngoài đê sông Thái Bình. Trong khi cả huyện, xã được dòng sông và bờ đê uốn quanh ôm ấp, bảo vệ thì ngôi làng này lại nằm bên ngoài đê. Đây là nơi sinh sống của hơn 200 hộ dân. Ông Vương Đình Khiên là Bí thư Chi bộ thôn, cũng là người sinh ra, lớn lên ở ngôi làng này, gắn bó với những lần chạy lụt. Nhớ lại, ông Khiên bảo: “Không ai khổ như dân làng Mỹ Xá”. Khổ vì những ngày mưa lũ, ngập đến tận mái nhà tranh vách đất. Ngày ấy, lũ lụt gây ngập kéo dài có khi vài tháng trời từ tháng 6 đến hết tháng 8 âm lịch. Nhiều người phải bắc sàn trong nhà để tránh nước, nước dâng đến đâu lại nâng sàn đến đó. Nước lên cao quá mà nhà bé thì phải khoét mái nhà chui ra rồi lên trên đê dựng chòi chữ A trú tạm. Thuyền cũng không có, người dân phải đóng bè chuối, tre để đi lại.
Những ngày chạy lụt cũng là ký ức không quên của nhiều người dân bên dòng sông Luộc ở 3 thôn Bình Cách, Hữu Chung, Tri Lễ thuộc xã Hà Thanh (Tứ Kỳ). Xã Hà Thanh có 6 thôn thì 3 thôn nằm ngoài đê. Mùa lụt đến, bao công sức, của cải người dân làm lụng, gieo trồng, nuôi nấng đều tan theo dòng nước.
Những người lớn tuổi ở đây vẫn nhớ rõ 3 lần lũ dâng cao nhất vào các năm 1968, 1971 và 1996. Ông Vũ Văn Tiếp, Bí thư Chi bộ thôn kể rằng đó là những lần vỡ đê, mất hết. “Năm 1971 với năm 1996 là 2 năm lịch sử. Nước lên, người dân mất trắng hết, khổ lắm. Trước đây, cứ đến ngày rằm tháng bảy thì dân ngoại bối mới biết là có được mùa, được ăn hay không, còn nước cứ mấp mé, xả lũ là nước tràn vào làng luôn nên túng đói, nhà nào cũng hoàn cảnh như nhà nào”, ông Tiếp nhớ lại.
Làm giàu nhờ bám trụ bãi sông
Khó khăn là thế nhưng người nông dân chịu thương, chịu khó không rời đi mà vẫn bám trụ với những ngôi làng ngoài đê, khai thác điều kiện thuận lợi để vượt lên nghịch cảnh.
Có giai đoạn một số hộ ở làng Mỹ Xá (Nam Sách) đã chuyển vào trong đê để dễ làm ăn nhưng nhiều hộ vẫn ở lại và giúp làng Mỹ Xá phát triển như ngày nay. Trước đây, đường sá cứ mưa là trơn trượt, lầy lội thì nay được bê tông hoá 100%, rộng rãi thênh thang. Những nhà cao tầng, biệt thự kiểu mới mọc lên mang đến diện mạo mới mẻ, giàu đẹp cho làng quê từng chỉ có nhà gianh vách đất.
Ông Vương Minh Túc ở thôn Mỹ Xá phấn khởi bảo: “Giờ đường điện, nước sạch đầy đủ, nhà cửa, đường xá khang trang hơn hẳn trước, con cháu đi học đầy đủ nên nhiều người muốn vào làng ở thì lại không còn đất. Trên bãi sông canh tác cà rốt, rau mùi, dưa hấu, cấy lúa cũng cho năng suất cao”.
Những ngôi làng ngoài đê ở Hà Thanh (Tứ Kỳ) từng khó khăn như thế nhưng hôm nay cũng đã trở thành miền quê đáng sống. Đi qua cái cửa chặn nước trên đê đã thấy cổng làng Tri Lễ khang trang, đường làng đẹp đẽ. Dù nằm tách biệt ngoài đê nhưng thôn Tri Lễ hiện đông dân nhất xã Hà Thanh với khoảng 600 hộ, 1.600 nhân khẩu.
Từ ngày có đập thuỷ điện sông Đà nên không bị ngập nặng như trước, người dân Tri Lễ đã tận dụng, khai thác những thế mạnh của đất đai trù phú ven sông để làm nông nghiệp. Ngày nay, khi nhiều nơi bỏ ruộng hoang hoá thì về Tri Lễ không thấy một mảnh ruộng hoang nào mà chỉ thấy cánh đồng lúa xanh mướt trải dài từ làng ra đến sông Luộc. Bên cánh đồng lúa là những rặng chuối Nam Mỹ cao lớn, tươi tốt quanh năm trĩu quả. Dưới sông, nhiều hộ nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ sự chuyển dịch kịp thời, sản xuất nông nghiệp ở những ngôi làng ngoài đê đạt kết quả đáng khích lệ, giá trị thu nhập từ đồng đất được nâng lên hẳn. Giá trị sản xuất nông nghiệp của xã Hà Thanh năm sau luôn cao hơn năm trước, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 67 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Đời sống nhân dân ngày càng khấm khá. Nhiều con em quê hương thành danh cũng hướng về quê hương, góp công, góp của làm đẹp ngôi làng.
PHONG TUYẾT
Nguồn: https://baohaiduong.vn/suc-song-moi-o-nhung-ngoi-lang-ngoai-de-391005.html