TRONG NƯỚC
Ngày 7/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời sân bay Orly, thủ đô Paris lên đường về nước, kết thúc chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron. Hai bên đã ra tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị trước những thách thức quốc tế; tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, cũng như quan hệ đối tác kinh tế, hợp tác vì phát triển bền vững và tự cường; đồng thời thúc đẩy giao lưu nhân dân. Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysee ở thủ đô Paris ngày 7/10. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Ngày 7/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương để đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024, đề ra nhiệm vụ công tác tháng 10 và quý IV/2024; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và một số nội dung quan trọng khác. Chiều cùng ngày, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, Giáo sư Klaus Schwab đã giao lưu với sinh viên, thanh niên Việt Nam với chủ đề “Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ thông minh – Tầm nhìn cho thế hệ trẻ”. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong buổi giao lưu với sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Ngày 7/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2024; tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Chiều 7/10, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt đoàn đại biểu nữ chuyên trách Hội liên hiệp Phụ nữ tiêu biểu các cấp toàn quốc năm 2024 nhân dự Lễ trao giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất và biểu dương Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ cấp huyện tiêu biểu toàn quốc; kỷ niệm 94 năm thành lập hội và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng quà lưu niệm các đại biểu nữ chuyên trách Hội liên hiệp Phụ nữ tiêu biểu các cấp toàn quốc năm 2024. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
Chiều 7/10, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ trao quyết định của Chủ tịch nước cho sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan và Khu vực Abyei. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc chủ trì buổi lễ. Trong ảnh: Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trao quyết định của Chủ tịch nước cho các sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Ảnh: An Đăng – TTXVN
Gần 200 tài liệu, hình ảnh lưu trữ về những cửa ô Hà Nội đã được giới thiệu trong trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hà Nội và những cửa ô”, khai mạc ngày 7/10, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Trưng bày do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức. Trong ảnh: Đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN
Ngày 7/10, tại khu vực biên giới thuộc địa bàn ấp Long An, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, Ban Chuyên án TN-1024p do Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Tây Ninh và Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài chủ trì, phối hợp cùng Phòng Phòng chống ma túy Công an Tây Ninh, Công an huyện Bến Cầu và Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm Miền Nam (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng) tổ chức phá án, bắt giữ 2 đối tượng gồm: Trần Văn Sướng, sinh năm 1988 và Lý Minh Thương, sinh năm 1986, cùng ngụ tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, khi cả 2 sử dụng ô tô mang biển kiểm soát 51A-234.04 vận chuyển 30 kg ma túy đá từ biên giới vào nội địa. Trong ảnh: Các đối tượng Trần Văn Sướng và Lý Minh Thương bị các lực lượng phối hợp bắt giữ cùng tang vật 30kg ma túy. Ảnh: TTXVN
QUỐC TẾ
Ngày 7/10, tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cùng với Ủy ban Kinh tế-xã hội Liên hợp quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) tổ chức Hội nghị đầu tư ASEAN năm 2024 với chủ đề “Thúc đẩy kết nối và tự cường ASEAN”, nhằm tập trung nâng cao vai trò của ASEAN để hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư trong giai đoạn thực hiện các kế hoạch ưu tiên thuộc chiến lược quan trọng về phát triển bền vững. Trong ảnh: Các đại biểu chụp ảnh chung tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tú – TTXVN
Chiều 7/10, tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), Hội đồng Nobel thuộc Viện Karolinska đã công bố giải Nobel Y Sinh 2024 thuộc về 2 nhà khoa học người Mỹ là Victor Ambros (sinh năm 1953) và Gary Ruvkun (sinh năm 1952) với việc phát hiện ra RNA siêu nhỏ (microRNA hay microARN), qua đó khám phá ra nguyên lý cơ bản chi phối cách thức điều hòa hoạt động của gene. Trong ảnh: Lễ công bố giải Nobel Y Sinh 2024 thuộc về công trình phát hiện RNA siêu nhỏ của hai nhà khoa học người Mỹ Victor Ambros và Gary Ruvkun, tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 7/10. Ảnh: AA/TTXVN
Tròn 1 năm sau khi cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas và Israel bùng phát tại Dải Gaza, khắp nơi trên dải đất này là đống gạch đá đổ nát – vết tích của những tòa nhà, những vũng nước ô nhiễm có nguy cơ lây lan bệnh tật. Theo dữ liệu vệ tinh của Liên hợp quốc, gần 70% số công trình ở Gaza trước khi xung đột bùng phát, tương đương hơn 163.000 tòa nhà, đã bị hư hại hoặc san phẳng, trong đó hơn 30% là các tòa nhà cao tầng. Gần 70% số nhà máy nước tại Gaza bị phá hủy hoặc hư hại, trong đó có toàn bộ 5 nhà máy xử lý nước thải. Liên hợp quốc ước tính rằng nếu xung đột tại Gaza chấm dứt ngay bây giờ, phải mất khoảng 1,2 tỷ USD và tới 14 năm mới có thể dọn sạch số đất đá này. Trong ảnh: Những tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
TB (theo TTXVN)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/su-kien-noi-bat-trong-nuoc-quoc-te-ngay-7-10-395137.html