Ghi nhận giá USD tại các ngân hàng lẫn trên thị trường tự do tăng mạnh trở lại trong ngày 11/5. Theo đó, trên thị trường chính thức, các ngân hàng để giá USD ở mức kịch trần, như Vietcombank mua vào ở mức 25.154 đồng – bán ra 25.484 đồng.
Trên thị trường tự do, đồng bạc xanh cũng tăng mạnh 50 đồng, mua vào với giá 25.720 đồng, bán ra 25.800 đồng.
Sốt ruột nhìn giá USD tăng
Giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng tại TP Hồ Chí Minh cho biết những năm trước đơn vị vay USD với lãi suất dao động trên dưới 3%, nhưng nay lên 4-5%, thậm chí có hợp đồng phải trả trên dưới 6-7%.
Chưa kể, lúc vay USD chỉ hơn 24.000 đồng/USD nhưng nay đến lúc trả đã gần 25.500 đồng.
“Doanh nghiệp bán hàng thu về bằng VND nhưng lại phải trả tiền và lãi vay neo theo USD nên khó càng thêm khó. Với lãi suất và tỉ giá USD hiện nay, chúng tôi làm ra gần như không đủ để trả nợ”, vị lãnh đạo doanh nghiệp rầu rĩ.
Là đơn vị chuyên sản xuất đồ uống, nước giải khát, ông Nguyễn Đặng Hiến – tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh (TP Hồ Chí Minh), cho biết doanh nghiệp đang khá áp lực bởi nhiều sản phẩm, nguyên liệu nhập khẩu… đều cần thanh toán bằng USD, thậm chí có những thứ mua trong nước bằng VND nhưng vẫn quy đổi ra tỉ giá USD.
Theo ông Hiến, với tỉ giá tăng, giá thành sản xuất cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, bán thị trường trong nước thì “không dễ dàng để tăng giá”.
“Khoảng 82% lượng hàng sản xuất ra được tiêu thụ trong nước.
Do đó, nếu giá thành sản xuất tăng 2-3% thôi thì đơn vị cũng “đuối” vì tiêu thụ sẽ chậm, rất khó để tăng giá bán. Khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ thiệt hại nặng với tỉ giá, trường hợp trả nợ vay bằng USD thì càng khó khăn”, ông Hiến nói.
Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Sơn 1 (Bình Phước), cho biết hiện 80-85% nguyên liệu cho chế biến phải nhập khẩu, thanh toán đều bằng USD nên doanh nghiệp thấy áp lực.
Tuy nhiên, do lượng điều chế biến phần lớn đều phục vụ cho thị trường xuất khẩu và thu về bằng USD nên phần nào giúp cân đối lại.
Theo đại diện Hiệp hội điều Việt Nam, để hạn chế rủi ro từ câu chuyện tỉ giá, các doanh nghiệp cần tính toán, cân đối giá nguyên liệu nhập vào và xuất đi, nên có hợp đồng rõ ràng và ưu tiên xuất nhập trong ngắn hạn, hạn chế việc tích trữ, đầu cơ hàng dài hạn.
Ngoài ra, có thể chọn giao kèo tỉ giá trong mức ổn định, hoặc việc ưu tiên thanh toán một phần nhỏ giá trị đơn hàng nhập, về tới Việt Nam mới thanh toán phần còn lại giúp doanh nghiệp chủ động đàm phán giá xuất khẩu có lợi hơn, tránh được rủi ro về tỉ giá.
Bà Hoàng Thị Liên, chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cho biết với giá trị xuất khẩu gấp nhiều lần nhập và được thanh toán chủ yếu bằng USD, biến động tỉ giá còn có lợi.
Tuy vậy, bà Liên cho rằng vẫn có trường hợp rủi ro và chịu áp lực lớn nếu không tính toán kỹ giá mua vào và bán ra.
“Thay vì vay USD bằng cách thông thường với nhiều rủi ro, doanh nghiệp có thể dùng hợp đồng ngoại thế chấp ngân hàng để vay USD trong ngắn hạn và trả sớm sau đó khi xuất được hàng”.
Vay nợ bằng USD chịu áp lực kép
Ông Trần Nhật Nam – cựu Phó tổng giám đốc một ngân hàng ở Hà Nội – cho biết doanh nghiệp vay nợ USD có thể chịu thiệt kép từ tỉ giá và lãi suất USD trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, những doanh nghiệp sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ “chật vật” hơn những khoản vay lãi suất cố định. Bởi ngoài chênh lệch tỉ giá hối đoái, doanh nghiệp còn phải chịu thêm chi phí lãi vay khi lãi suất USD neo cao.
Ngoài ra, những doanh nghiệp sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ rủi ro hơn.
Về giải pháp dự phòng biến động tỉ giá, ông Trần Nhật Nam cho biết các doanh nghiệp có thể tính toán sử dụng hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn hay hợp đồng tương lai. Đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ. Tùy vào vị thế mỗi doanh nghiệp có thể thỏa thuận điều kiện phù hợp nhằm chủ động ứng phó rủi ro.
“Khi doanh nghiệp xác định phải trả nợ trong một khoảng thời gian xác định, họ có thể mua hợp đồng tương lai theo tỉ giá được thỏa thuận. Đến kỳ hạn thực hiện hợp đồng, dù tỉ giá tăng hay giảm, hai bên vẫn sẽ thực hiện tỉ giá theo hợp đồng”, ông Trần Nhật Nam giải thích thêm.
Ông Nam cho biết việc mua hợp đồng này bản chất giống như một loại bảo hiểm. Tất nhiên, sẽ có rủi ro mua tỉ giá cao hơn thực tế lúc thanh toán, nên điều này phụ thuộc vào khả năng nhận định và mức độ chấp nhận rủi ro của từng doanh nghiệp.
NH (theo Tuổi trẻ)