Về kế hoạch đấu thầu vàng miếng SJC, trao đổi với báo chí, ông Đào Xuân Tuấn thông tin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường. Công tác chuẩn bị cho phiên đấu thầu vàng miếng SJC đã rất kỹ lưỡng.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu vàng miếng SJC từ nguồn đã có sẵn trong kho. Ngay chiều nay, chúng tôi sẽ có thông báo chủ trương đấu thầu để 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu vào thứ hai tuần tới”, ông Tuấn khẳng định.
Như vậy, sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu vàng miếng trở lại để tăng nguồn cung vàng ra thị trường.
Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua. Một tiếng sau khi đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả.
Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.
Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.
Trong đó đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28-3-2013.
Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.
Về chính sách quản lý thị trường vàng, ông Tuấn cho biết thêm Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Chính phủ tổng kết nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến các bộ ngành và trình Chính phủ chủ trương nên sửa nghị định này.
Qua đánh giá hoạt động kinh doanh vàng thời gian qua, nghị định 24 đã phát huy vai trò tích cực, song đã đến lúc cần xem lại sự phù hợp của nghị định này trong điều kiện hiện nay.
Theo đó đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, thêm nhiều thương hiệu vàng khác.
T.H (theo Tuổi trẻ)