Cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế – xã hội
Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành theo Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 là một bản quy hoạch tổng hợp có cơ sở luật pháp, hàm lượng trí tuệ, khoa học và tính thực tiễn cao.
Với cách tiếp cận mới, biện chứng, khoa học và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, quy hoạch đã đánh giá đầy đủ, khách quan hiện trạng phát triển của tỉnh; làm rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; xây dựng tầm nhìn, định hướng, mục tiêu, đưa ra các phương án phát triển và các giải pháp để Hải Dương phát triển bài bản hơn, nhanh hơn và bền vững hơn trong giai đoạn tới năm 2030 và 2050.
Quy hoạch tỉnh đã cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn tỉnh Hải Dương về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Đây là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để chính quyền các cấp của tỉnh sử dụng khi hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm yêu cầu kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Đồng thời giải quyết các vấn đề xung đột giữa các ngành, lĩnh vực khi hoạch định phương án phát triển của từng ngành trong mối quan hệ liên ngành nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Quy hoạch tỉnh còn là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, kế hoạch thu hút đầu tư của các doanh nghiệp và dân cư, bảo đảm tính khách quan, khoa học. Quy hoạch tỉnh Hải Dương cung cấp đầy đủ các thông tin, căn cứ cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các cá nhân có nhu cầu tìm hiểu về cơ hội đầu tư kinh doanh, sinh sống tại tỉnh. Đồng thời là cơ sở để các tổ chức và công dân thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch của tỉnh.
Thực hiện tốt quy hoạch sẽ cho phép khai thác và phát huy các cơ hội và khả năng liên kết về kinh tế, về hệ thống hạ tầng kết nối giữa tỉnh Hải Dương với Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, mối quan hệ với cả nước và quốc tế. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bình đẳng giới, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Khai thác sử dụng hợp lý và hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ môi trường. Thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển bền vững; tăng cường quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ.
Quy hoạch tỉnh cũng đã chỉ rõ được điểm nghẽn ở đâu, cản trở lớn nhất là gì, hướng sắp xếp lại không gian phát triển để khơi thông, giải phóng các nguồn lực tiềm năng và tạo động lực mới để bứt phá trong phát triển.
Quy hoạch tỉnh Hải Dương chứa đựng nhiều thông điệp lớn và kỳ vọng cao vào mục tiêu và vị thế tương lai của tỉnh. Hải Dương cũng có đủ điều kiện để biến quy hoạch thành hiện thực cụ thể.
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu
Quy hoạch dù chất lượng cao bao nhiêu cũng không thể tự thân hiện thực hoá, mà cần thông qua loạt hành động triển khai nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả của toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Để thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh, cần tiếp tục cụ thể hoá và cập nhật quy hoạch tỉnh vào các quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương ở tỷ lệ quy định, tạo sự đồng bộ và thống nhất về hệ thống các quy hoạch bao phủ trên toàn địa bàn tỉnh và mọi lĩnh vực, ngành nghề, khớp nối chi tiết với các quy hoạch giao thông của các tỉnh lân cận, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất cụ thể cho từng xã, phường… làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn và tránh mất thời gian chờ đợi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Để hiện thực hoá những tầm nhìn dài hạn, Hải Dương cần nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu cụ thể được xác định rõ trong quy hoạch. Kiên trì và có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế. Mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực. Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị và hàm lượng công nghệ cao. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, nắm giữ công nghệ cao, ưu tiên ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử để tận dụng tiềm năng liên kết vùng hiện có và năng lực cung ứng nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp trong tỉnh…
Phát triển dịch vụ logistics để phát huy lợi thế kết nối trong vùng đồng bằng sông Hồng. Đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và các khu, điểm du lịch khác để hình thành các tuyến du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nội tỉnh và liên tỉnh.
Hơn nữa, cần coi trọng triển khai các chương trình, giải pháp huy động và phối hợp hiệu quả mọi nguồn lực, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư trong phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng mang tính liên kết nội tỉnh và liên kết vùng nhanh, thuận lợi và hạ tầng công nghệ thông tin, khoa học – công nghệ phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
Nên coi trọng đầu tư khai thác, phát huy tiềm năng văn hóa và con người xứ Đông, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm cả nhân lực lãnh đạo, quản lý nhà nước; lãnh đạo quản lý kinh doanh và kỹ năng nghề của người lao động.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, các đại sứ quán và cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, thâm nhập và mở rộng thị trường. Ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) đầu tư các dự án vào tỉnh trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ…
Cần lưu ý rằng, theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế đã lựa chọn, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 khoảng hơn 582.000 tỷ đồng. Trong đó: Giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 263.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 319.000 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng 16% còn vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 84% (trong đó, dự kiến vốn ngoài nhà nước đạt 41% và vốn FDI đạt 43%) đóng vai trò quyết định.
Bởi vậy, nhiệm vụ xuyên suốt và quan trọng nhất của cả hệ thống chính trị tỉnh là tăng cường chống tham nhũng và nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn, tạo mọi điều kiện để giảm thiểu gánh nặng hành chính và tài chính cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình tham gia đầu tư phát triển để hiện thực hoá thành công quy hoạch tỉnh trong thời gian tới…
—————
(*) Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban Tuyên truyền Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế – Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội
Tiến sĩ NGUYỄN MINH PHONG