Hôm nay 5/6, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ dành cả ngày để tập trung chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực kiểm toán và văn hóa, thể thao và du lịch.
Theo đó, từ 9h sáng, nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán sẽ được các đại biểu chất vấn người đứng đầu ngành kiểm toán. Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn sẽ giải trình giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Ông Ngô Văn Tuấn cũng thông tin về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán. Bên cạnh đó, Bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an và Tổng Thanh tra Chính phủ cũng tham gia trả lời chất vấn những nội dung liên quan.
Từ 15h, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời về công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng sẽ trả lời việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; phát triển sản phẩm du lịch đêm và chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời các nội dung liên quan.
Phiên chất vấn dự kiến kết thúc vào cuối buổi sáng 6/6.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc danh mục công việc nặng nhọc, nguy hiểm như xiếc, múa ballet… được nghỉ hưu sớm theo nguyện vọng khi đã đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội.
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết đặc thù nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo trong 7-12 năm, một số bộ môn 15-16 năm. Tuổi đào tạo nghề bắt đầu từ 10 tuổi và phải có năng khiếu. Trong khi đó, thời gian hoạt động biểu diễn bình quân 15-20 năm.
Vì vậy, nữ nghệ sĩ 35-40 tuổi và với nam 40-45 tuổi hầu như bị suy giảm khả năng biểu diễn, hoạt động chuyên môn. Việc này dẫn đến thực trạng người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật “hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi hưu,” khó khăn trong chuyển đổi vị trí việc làm.
Đa số người này không đáp ứng tiêu chuẩn thi, xét tuyển công chức, viên chức nên không thể đảm đương vị trí quản lý, hành chính. Các nghệ sĩ mong được giải quyết chế độ để nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ cho phép họ nghỉ sớm hơn không quá 5 năm so với quy định.
Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm. Mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm.
Theo Thông tư 11/2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là các công việc có yếu tố gây hại, tổn thương đến sức khỏe, tinh thần hoặc có nguy cơ cao. Thông tư này quy định 1.838 nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và chia thành 31 lĩnh vực.
Chương trình làm việc của Quốc hội được tiếp tục trong sáng 6/6 với phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền).
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Tổng thuật trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội để cử tri theo dõi, giám sát.
VN (theo Vietnam+)