“Tôi và nhiều người rất quan tâm, bức xúc về vấn đề lãng phí. Có những dự án nhìn thấy được, nhưng dân hỏi không trả lời được, như đất vàng để hàng chục năm trời cho cỏ mọc, phải có ai chịu trách nhiệm chứ, nếu không làm được thì thu hồi”, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khi thảo luận tổ tại Quốc hội chiều 26/10.
Hàng loạt công trình, dự án lãng phí được Tổng Bí thư Tô Lâm “điểm danh”. Dự án chống ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh trị giá 10.000 tỷ đồng trải qua hai nhiệm kỳ, tiền Nhà nước đã bỏ ra nhưng người dân thành phố vẫn phải chịu cảnh ngập lụt. “Phải làm thế nào chứ để mãi như vậy là vi phạm, dù không tham ô, tham nhũng cũng là tội lãng phí”, Tổng Bí thư nói.
Dự án xây dựng hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam đã kéo dài hàng chục năm nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn vốn lớn của Nhà nước. Trong khi đó, người dân địa phương đang rất cần một cơ sở y tế hiện đại. Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng những công trình này nếu do tư nhân làm thì có thể đã thu hồi vốn xong, nhưng công trình của Nhà nước vẫn để không mà không ai chịu trách nhiệm.
Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm theo Tổng Bí thư là tình trạng “có tiền không tiêu được”. Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm chưa được 50% kế hoạch, còn mấy tháng nữa hết năm không biết có tiêu được hết tiền không?. Điều này dẫn đến bất cập là vốn đầu tư không giải ngân được, không đến được với dự án, thì Nhà nước lại phải đi vay tiền, thậm chí vay nước ngoài với lãi suất cao.
Các chương trình mục tiêu quốc gia được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn chậm do quy định chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà, mà những quy định này cũng do các cơ quan đặt ra. Nhiều địa phương để ruộng đất cho cỏ mọc, cấp giấy phép dự án cho doanh nghiệp nhưng khi triển khai lại gặp vướng.
“Lãng phí xảy ra nhiều lắm. Tại sao mình lại vướng mình, làm khó mình đến vậy? Quy định làm sao mà để cuối cùng mình không thực hiện được? Nhà nước còn không làm được thì sao doanh nghiệp làm được?”, Tổng Bí thư Tô Lâm trăn trở.
Tổng Bí thư cho rằng vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó và phải có người chịu trách nhiệm. Chính phủ và Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tiềm năng của đất nước phải được đưa vào sử dụng để tạo ra của cải vật chất.
“Tôi hết sức sốt ruột, không thể chậm trễ hơn được nữa. Nếu cứ đứng chờ thì lỡ mất cơ hội. Mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển phải có lộ trình, bước đi, chứ không phải tự nhiên mà đạt được”, Tổng Bí thư nói, nhấn mạnh rằng năm 1975 Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới khi đất nước thống nhất. Đến nay, đất nước đạt nhiều thành tựu, nhưng nhìn ra thế giới họ đã phát triển vượt bậc.
Đơn cử như Ireland trước đây là nước nghèo, nhưng bây giờ đã phát triển vượt bậc với thu nhập bình quân 150.000 USD/người/năm, quy mô GDP hơn 500 tỷ USD. Để có được thành tựu đó, Ireland đã đi vào công nghệ lõi, công nghệ số, công nghệ sinh học.
Trong khi thế giới đang không ngừng tiến bộ với những thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực khoa học vũ trụ và công nghệ y tế, thì nhiều người dân Việt Nam vẫn còn thiếu những dịch vụ cơ bản nhất. Vì vậy các cấp, ngành “cần nhìn vào thực chất để thấy lo lắng”, và phải có giải pháp để thành tựu kinh tế-xã hội đến được với người dân.
Vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân cần thực chất hơn, để mỗi người được khám sức khỏe ít nhất một lần mỗi năm. Ở nhiều nơi, có những cụ già 60-70 tuổi nhưng chưa bao giờ được khám sức khỏe, đo huyết áp, khám răng, khám tai, khám mắt. Các cấp, ngành phải bảo đảm học sinh có đủ trường lớp, điều kiện đến trường, tránh tình trạng có trò, có thầy mà không có lớp.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu tăng năng suất lao động, phát triển bền vững sản xuất trong nước, bởi một số địa phương phát triển tốt nhưng phụ thuộc đầu tư nước ngoài, “nếu có dự án rút đi là chới với, thậm chí tăng trưởng âm”.
VN (theo VnExpress)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/tong-bi-thu-to-lam-phai-co-nguoi-chiu-trach-nhiem-khi-xay-ra-lang-phi-396562.html