Nói “vượt bão” là bởi ông Cường theo nghề chăn nuôi. Lúc đầu ông mở cửa hàng thuốc thú y và dịch vụ chăm sóc vật nuôi. Đến năm 1999, gia đình ông Cường bắt đầu tạo lập khu chăn nuôi đầu tiên nuôi lợn, gà, kết hợp kinh doanh thuốc thú y và đại lý thức ăn chăn nuôi. Quy mô chăn nuôi cũng ngày một lớn.
Nhưng dịch cúm gia cầm H5N1 cuối năm 2003, rồi những năm 2016-2017 giá lợn giảm kỷ lục, ròng rã nhiều tháng liền chỉ còn dưới 20.000 đồng/kg lợn hơi. Liền ngay sau đó lại xảy ra dịch tả lợn châu Phi… khiến ông Cường thiệt hại cả chục tỷ đồng. “Sau đó do lợn khan hiếm, giá lợn thịt, lợn giống đều cao kỷ lục nên trại lợn của tôi bán được giá, nhanh chóng gỡ gạc lại thiệt hại”, ông Cường kể.
Bí kíp giúp trang trại chăn nuôi của ông Cường “vượt bão” thành công một phần do ông kiên trì “sống chết” với nghề chăn nuôi lợn. Mặt khác ông thích ứng nhanh, chịu khó học hỏi, đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất nông nghiệp.
Ông từng sang Hà Lan tham quan, học tập và du nhập công nghệ chăn nuôi thông minh, sản xuất hữu cơ với giá 100.000 USD về quê nhà. Các chuyên gia Hà Lan trực tiếp sang lắp đặt, hướng dẫn vận hành, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từng con lợn được gắn chíp, cùng với hỗ trợ của máy móc, thiết bị nhằm theo dõi chi tiết từ quá trình mang thai, quản lý khẩu phần ăn… Trang trại của ông còn lắp hệ thống ăn uống tự động, quạt thông gió, hệ thống phun sương tự động điều chỉnh nhiệt độ, tiểu khí hậu để bảo đảm nhiệt độ chuồng nuôi cho lợn sinh trưởng và phát triển.
Ông Cường hiện có 3 trang trại chăn nuôi lợn thịt, lợn nái rộng tới 16 ha, gồm 2 cơ sở tại xã Ngọc Liên và 1 cơ sở lớn nhất ở xã Nghĩa Đạo, thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh). 3 trang trại hiện duy trì 1.500 con lợn nái ngoại sinh sản để bán 30.000 lợn con giống/năm. Các khu chuồng chuyên nuôi lợn thịt với sản lượng từ 1.500-2.000 tấn/năm. Các chuồng trại đang chuyển sang sử dụng đệm lót sinh học đều được làm từ mùn cưa, trấu trộn với chế phẩm sinh học theo quy trình chặt chẽ giúp khử mùi, tạo nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng, bảo đảm thân thiện môi trường. “Qua tìm hiểu tôi nhận thấy, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất tuần hoàn là xu thế của thế giới, tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng cao, giá trị cao và dành cho những thị trường chất lượng cao”, ông Cường chia sẻ.
Các diện tích trồng cây ăn quả ông cũng thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn. Chất thải chăn nuôi được tận dụng làm phân bón cho các diện tích chuyên canh măng tây và các giống nho ngoại nhập như hạ đen, mẫu đơn… Để cây trồng phát triển tốt, ông đầu tư hệ thống tưới hiện đại, ưu việt.
Hiện nay, các trang trại của ông Cường tạo việc làm ổn định cho 30 lao động, với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, 3 trang trại cho thu lợi tổng cộng trên 1,3 tỷ đồng/năm.
Từ thành công mô hình của mình, năm 2023, ông Cường vận động các hộ nông dân thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Thành Đông Xanh với 7 thành viên, canh tác trên 6 ha, trồng măng tây và nho theo quy trình an toàn. Ông đồng thời triển khai dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi với quy mô 1.000 tấn/năm.
“Nông nghiệp hữu cơ, sản xuất tuần hoàn cần phải tuân thủ các quy trình, nguyên tắc, không chạy theo phong trào. Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần được quan tâm bảo vệ nhận diện, tránh nhầm lẫn trên thị trường tiêu thụ”, ông Cường nói về mục tiêu thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Thành Đông Xanh.
Theo bà Nguyễn Thị Hiên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Giàng, từ năm 2017-2022, gia đình ông Cường liên tục đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh. Ông Cường cũng là 1 trong 2 nông dân Hải Dương lọt vào Top 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.
THÀNH LONG