Tuần trước, Fujikawaguchiko, thị trấn bên hồ Kawaguchi – một cảnh đẹp trường tồn với thời gian dưới chân núi Phú Sĩ – gây chú ý khắp thế giới bằng việc dựng tấm chắn lớn màu đen để che tầm nhìn ra đỉnh núi. Quyết định được đưa ra khi người địa phương phàn nàn khách du lịch xả rác, đỗ xe trái phép, trèo lên mái nhà để chụp ảnh.
Biện pháp này “hơi cực đoan” với một quốc gia luôn nổi tiếng ôn hòa và theo chủ nghĩa khắc kỷ (vững tinh thần, bình tĩnh với mọi áp lực). Tuy nhiên, đây không phải hành động mạnh tay duy nhất được thực hiện nhắm tới khách du lịch.
Biên giới mở sau dịch, đồng yen giảm, thúc đẩy khách đến cao kỷ lục. Trong tháng 3, lượng khách nước ngoài tới Nhật đạt 3 triệu lượt. Xứ anh đào đông khách hơn bao giờ hết và điều này tạo nên gánh nặng với người địa phương, khiến sự kiên nhẫn của họ cạn dần.
Từ 1/7, chính quyền địa phương vùng núi Phú Sĩ bắt đầu thu khoản phí bắt buộc 2.000 yen (khoảng 330.000 đồng) với người muốn leo núi. Số lượng khách leo mỗi ngày cũng bị giới hạn ở mức 4.000 lượt. Điểm nóng khác là cố đô Kyoto cũng đưa ra những biện pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng quá tải, ví dụ đóng cửa một phần khu Gion – quận geisha lịch sử – khi ngày càng nhiều báo cáo về việc khách du lịch quấy rầy geisha như giật áo, chen chúc chụp ảnh.
Quá tải xe buýt địa phương ở Kyoto cũng là vấn đề khác. Trong tháng 3, quan chức thành phố công bố kế hoạch đưa xe buýt đặc biệt đến các điểm tham quan nhằm giảm áp lực lên đường phố địa phương.
Sara Aiko, Giám đốc Curated Kyoto, công ty quản lý du lịch sang trọng có trụ sở tại Kyoto, nói khi du lịch bắt đầu phá vỡ nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân, khách đông nghịt kể cả nơi thanh bình như đền chùa, mọi người sẽ thấy không thoải mái.
Là công dân toàn cầu, họ cũng muốn chia sẻ thành phố xinh đẹp của mình với mọi người. Tuy nhiên, “khi việc bắt xe buýt đi siêu thị cũng khó khăn vì đám đông, người địa phương sẽ có thái độ căng thẳng”, Aiko nói.
Cô nói sự đông đúc cũng khiến khách du lịch không thoải mái. Dù vậy, du khách vẫn có thể tìm thấy nhiều trải nghiệm tuyệt vời khác ở Kyoto, thay vì trở thành một phần của đám đông.
Niseko, khu trượt tuyết nổi tiếng ở Hokkaido, cũng đối mặt với lượng khách đông nghịt và phải tăng phí lưu trú lên tới 2.000 yen (khoảng 330.000 đồng) mỗi đêm từ tháng 11 – mùa trượt tuyết – với hy vọng có thể giảm lượng khách. Ở phía nam tỉnh Hiroshima, thành phố Hatsukaichi bắt đầu thu phí 100 yen (khoảng 16.000 đồng) để bảo vệ ngôi đền Itsukushima, một địa điểm được UNESCO công nhận, nổi tiếng nhờ cổng Torii chìm trong biển nước khi thủy triều lên.
Ở cấp nhà nước, chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực kéo du khách khỏi “tam giác vàng” quen thuộc gồm Tokyo, Kyoto và Osaka. Họ quảng bá 11 điểm kiểu mẫu, hấp dẫn và vắng hơn để khách ghé thăm như khám phá văn hóa samurai tại Hokuriku; trải nghiệm thiên nhiên tại Nasu, Tochigi; khám phá dãy Alps Nhật Bản; núi lửa Kagoshima hay các công viên quốc gia phía đông Hokkaido.
Charles Spreckley, người sáng lập People Make Places, công ty thiết kế du lịch có trụ sở tại Nhật Bản, khuyên du khách nên bỏ qua Google và những trang thông tin du lịch khác. Điều tuyệt vời của Nhật Bản là sự an toàn, du khách hãy chọn một điểm đến và tự đi bộ khám phá theo cách riêng.
Các biện pháp ngày càng mạnh mẽ của Nhật Bản liệu có đem đến hiệu quả như mong muốn là một câu hỏi lớn. Trong mắt khách nước ngoài, sự nổi tiếng của Nhật Bản dường như chỉ tăng không giảm. Trong khi đó, người dân địa phương lại mong muốn bảo tồn những nét đẹp cổ xưa và mong manh. Điều này có thể dẫn tới những rắc rối trong thời gian tới.
T.H (theo VnExpress)