Những hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, ngoài những nguyên nhân khách quan như tình hình thế giới biến động phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội ở Việt Nam như đã nêu ở trên…, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận nghiêm túc những nguyên nhân chủ quan để công tác này ngày càng đạt hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn những chuyển biến nhanh, khó lường từ thực tiễn.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội…
Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân nhận thấy, hiện nay, tỷ lệ đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm vẫn còn cao hơn so với quy định. Đại biểu kiêm nhiệm cùng lúc phải đảm nhiệm nhiều chức vụ, chức danh ở nhiều bộ, ngành, địa phương khiến cho họ không còn quá nhiều thời gian để có thể chuyên tâm hoàn toàn vào nhiệm vụ đóng góp cho quá trình xây dựng, hoàn thiện luật.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có vai trò rất quan trọng, là “nòng cốt” trong hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Bởi vậy, việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đều được Quốc hội quyết tâm đặt ra và tích cực thực hiện trong các nhiệm kỳ gần đây.
Cụ thể, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đề ra mục tiêu “Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội”. Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020, tỷ lệ này được nâng lên là ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội.
Thực tế, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng qua các nhiệm kỳ: Quốc hội khóa XI có 121 đại biểu chuyên trách (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội khóa XII có 145 đại biểu chuyên trách (chiếm 29,41%), Quốc hội khóa XIII có 154 đại biểu chuyên trách (chiếm 30,8%), Quốc hội khóa XIV có 167 đại biểu chuyên trách (chiếm 33,80%).
Đặc biệt, Quốc hội khóa XV hiện nay có 126 đại biểu chuyên trách ở Trung ương và số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương trúng cử là 67 người (đạt tỷ lệ 39%). Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt chỉ tiêu “ít nhất 40%” được đề ra tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, nếu như chúng ta chỉ quá tập trung vào cơ cấu, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách mà không chú trọng tới chất lượng của đại biểu chuyên trách thì vẫn sẽ không bảo đảm được yêu cầu đặt ra.
Theo đại biểu Việt Nga, tỷ lệ đại biểu chuyên trách cao phải song song cùng với chất lượng đại biểu chuyên trách cao. Có như vậy, hoạt động của Quốc hội nói chung và của đại biểu Quốc hội chuyên trách nói riêng mới thực sự chuyên nghiệp và hiệu quả. Chất lượng đại biểu chuyên trách cần được quan tâm ở những giai đoạn khác nhau.
“Ở giai đoạn giới thiệu người ứng cử, bầu cử, chúng ta phải lựa chọn bảo đảm những tiêu chí về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ, đạo đức – những yếu tố cơ bản cần có tạo nên một người đại biểu có tâm, có tầm. Ở giai đoạn đại biểu Quốc hội chuyên trách đã đi vào thực hiện nhiệm vụ, cần tiếp tục đề cao việc trau dồi kỹ năng, kiến thức, đồng thời có những quan tâm, chính sách, đãi ngộ xứng đáng đối với đại biểu” – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất.
Một nguyên nhân rất quan trọng khác là, trong thời gian gần đây, nhiều tờ trình dự thảo luật được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội do các bộ, ngành chủ trì soạn thảo quá muộn. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng thường xuyên đề nghị bổ sung thêm nhiều dự án luật vào chương trình xây dựng pháp luật dẫn đến phải liên tục thay đổi chương trình dù chương trình này đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội cho từng kỳ họp trong cả nhiệm kỳ 5 năm.
Việc này khiến cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có rất ít thời gian nghiên cứu một khối lượng tài liệu khổng lồ trong thời gian quá ngắn, dễ khiến họ khó có thể thể bao quát được vẹn tròn.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đại biểu Quốc hội chuyên trách Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị: Để có thời gian cho đại biểu nghiên cứu, tham gia thảo luận thì chương trình xây dựng luật, pháp luật phải phù hợp; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng gần tới kỳ họp mới đưa vào chương trình. Theo đại biểu, đây cũng chính là một tư duy đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật.
Để có thời gian cho đại biểu nghiên cứu, tham gia thảo luận thì chương trình xây dựng luật, pháp luật phải phù hợp; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng gần tới kỳ họp mới đưa vào chương trình. Đây cũng là một tư duy đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật
—
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nhân Dân, Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đã quyết định như sau: Về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024: Bổ sung vào chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024) theo quy trình tại 1 kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn 1 dự án, dự thảo luật và 1 dự án, dự thảo nghị quyết; trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) thêm 8 luật; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án pháp lệnh.
Bên cạnh đó, nhiều dự án luật do các bộ, ngành dự thảo chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa đánh giá hết tác động, chưa dự báo đúng tình hình, chưa bao quát được hết các vấn đề của thực tiễn.
Ngay tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, ngay sau khi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khi thẩm tra đã khẳng định: “Báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, định tính, thiếu số liệu minh chứng thể hiện sự cấp bách và vướng mắc trên thực tiễn, đặc biệt trong một số chính sách còn nhận định chưa thể đánh giá được cụ thể các tác động về kinh phí mang tính định lượng, thiếu cơ sở để lựa chọn giải pháp phù hợp”.