Ân cần và nghiêm cẩn
Buổi chiều trong căn nhà ở một ngõ nhỏ của Thủ đô Hà Nội, bà Nguyễn Tường Vân, con gái lớn đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể chúng tôi nghe nhiều câu chuyện, kỷ niệm về cha mình. Ấn tượng còn lại với chúng tôi là hình ảnh một người cha bình dị, nhẹ nhàng, nghiêm cẩn của 4 cô con gái.
Bà Vân kể rằng, khi đã là Phó Chủ tịch nước, trong nhà có người phục vụ nhưng cha vẫn bảo các con học làm việc nhà một cách thuần thục để tự lập, tự chăm sóc bản thân mình. “Cha tôi thường bảo “nhà người dân thế nào, nhà mình như thế”. Mặc dù nhà có người giúp việc nhưng chúng tôi muốn ăn món gì lạ thì chị em phải tự mày mò vào bếp, bác giúp việc chỉ phụ giúp một công đoạn nào đó thôi chứ không có kiểu yêu cầu, đòi hỏi phục vụ. Những việc khác cũng vậy”, bà Vân nhớ lại.
Trong ký ức của bà Vân, đồng chí Nguyễn Lương Bằng chưa bao giờ to tiếng với vợ và các con. Khi còn nhỏ, có lần bà Vân ương bướng không muốn đi học, đồng chí Nguyễn Lương Bằng không la mắng mà ân cần giảng giải lợi ích của việc học cho bà. “Cha tôi bảo nếu con không học môn hoá, sau này con lấy cái ca bằng sắt đựng muối thì nó hỏng. Học môn vật lý để nhỡ bóng đèn hỏng, không sáng thì phải xem hỏng ở đâu chứ chờ thợ mất thời gian. Còn học văn để khi đói biết nói là mình muốn ăn, diễn đạt được một câu chưa cần hay nhưng trọn vẹn, đủ nghĩa”, bà Vân kể.
Gần gũi và thân tình
Những việc khác, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng tỉ mỉ phân tích cái lợi, cái hại để các con tự suy xét, đưa ra chọn lựa của riêng mình mà không khi nào áp đặt.
Việc bà Vân đi bộ đội năm 18 tuổi cũng vậy. “Hồi đó, 2 năm liền có tổng động viên vào năm 1969 và 1970, cha gọi tôi vào nói có việc như này muốn bàn với con: “Nhà mình không có con trai, bố muốn một đứa đi bộ đội mà con là lớn nhất, chờ các em có khi muộn. Bây giờ đang tổng động viên, có thể dễ được đi hơn con ạ”, bà Vân kể.
Vốn được rèn tính tự lập từ bé, bà Vân nghe cha nói vậy cũng không do dự mà đồng ý xung phong nhập ngũ dù lúc đó sức khỏe không được tốt lắm. 3 năm trong quân đội, thấy con hay ốm, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã khuyên con xin chuyển về làm việc ở ngành bảo tàng để không ảnh hưởng đến công việc và phiền đến mọi người.
Là con gái lớn cụ Nguyễn Lương Bằng, bà Vân được cha dặn rằng: “Con là con chim đầu đàn, con phải bay đúng hướng thì mới dẫn các con chim trong đàn đi đúng hướng được”. Đồng chí chỉ nhắc một lần nhưng điều ấy luôn được bà Vân ghi nhớ, nhắc nhở trong tâm.
Bà Vân kể ngay cả khi trưởng thành, lúc chuẩn bị kết hôn, cha vẫn luôn lo lắng, cặn dặn tỉ mỉ với bà. “Thấy tôi có phần cá tính, cha dặn trong cuộc sống gia đình cần có sự nhu mì hơn, biết lắng nghe để thông cảm, chia sẻ”, bà Vân xúc động nhớ lại.
Cha là bình minh của con
Cùng lật dở những trang trong cuốn sách Anh cả Nguyễn Lương Bằng, chúng tôi nhận ra trong hàng trăm tấm ảnh thì hầu như tấm nào đồng chí cũng cười tươi. Bà Vân kể dù công việc luôn bận rộn, căng thẳng nhưng cha mình rất vui vẻ, hài hước. “Trong bữa cơm thường cha mẹ hay nói chuyện rất hóm hỉnh, cười nhiều. Hôm nào thấy hai cụ ít nói cười trong bữa cơm là mấy chị em lại thủ thỉ đoán hình như bố mẹ đang dỗi hờn nhau”, bà Vân hồi tưởng.
Bà Vân nói đấy là chỉ thấy bố mẹ bớt hài hước thì đoán vậy chứ chưa từng thấy hai cụ bất hoà, to tiếng với nhau trước mặt con cái. Thường ngày, vợ chồng đồng chí Nguyễn Lương Bằng rất hợp nhau. “Cha thường sẽ là người đưa ra ý tưởng, đường lối, còn mẹ là người thực hiện với sự đồng thuận cao. Việc trả nhà cho Đảng, Nhà nước sau khi ông cụ mất cũng được mẹ thực hiện theo ý nguyện của cha”, bà Vân kể.
Đối với những người phục vụ xung quanh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng luôn gần gũi, thân tình. Bà Vân kể rằng có hôm lái xe đến đón đồng chí muộn gần một tiếng vì bị đau bụng. Biết lý do, đồng chí không trách mắng mà bảo người lái xe phải đi kiểm tra sức khoẻ ngay để biết chính xác bị mắc bệnh gì.
Nhớ về gia đình khi cha mẹ vẫn còn bên cạnh, bà Vân kể gia đình mình tưởng như rất cao mà cũng rất thấp. Dù đồng chí Nguyễn Lương Bằng giữ nhiều trọng trách quan trọng nhưng cuộc sống, nếp sống trong nhà không có điều gì quá đặc biệt. “Cha tôi thường dạy các con phải luôn sống chân thành, gần gũi, giản dị. Cha bảo “Nhà người dân như nào thì nhà mình như thế. Điều gì gần gũi với người dân thì không được xa lạ với nhà mình”, bà Vân nói.
Kể cho chúng tôi nghe về đồng chí Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, bà Nguyễn Tường Vân khẳng định rằng bình minh của cuộc đời bà chính là 2 tấm gương của cha và mẹ.
PHONG TUYẾT