Hấp dẫn
Buổi ghi hình số tháng 3 diễn ra vào ngày 27/3 với sự tham gia của hai đội thi là Hội Người cao tuổi các xã Đồng Quang, Phạm Trấn (Gia Lộc).
Ông Hoàng Anh Thư, thành viên đội chơi Hội Người cao tuổi xã Phạm Trấn cho biết, do lần đầu được tham gia chương trình giải trí trên truyền hình nên các thành viên trong đội rất phấn khởi, hào hứng. “Để chuẩn bị cho chương trình này, 3 người chơi chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy không nằm trong phần thi chính nhưng phần giới thiệu về đội chơi lại là phần khó khăn nhất đối với đội bởi trong thời lượng ít ỏi chương trình cho phép, chúng tôi phải giới thiệu được một cách khái quát, hấp dẫn về địa phương”, ông Thư kể.
Tiếp đó, 2 đội đã bám đuổi, cạnh tranh nhau gắt gao trong phần thi trả lời câu hỏi. Ở phần thi này, ngoài việc trả lời các câu hỏi liên quan đến Hội Người cao tuổi; kiến thức về sức khỏe người cao tuổi, hai đội trả lời một số câu hỏi về lễ hội đền Quát, chùa Dâu. Đây đều là những lễ hội, di tích lịch sử nổi tiếng của huyện Gia Lộc.
Sau khi trải qua các câu hỏi ở phần thi kiến thức căng thẳng, hai đội chơi bước vào phần thi tài năng. Đây được coi là phần thi hấp dẫn, nhiều “màu sắc” nhất của chương trình, đồng thời thể hiện phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương tham gia.
Cuối cùng, các đội bước vào phần thi giải quyết tình huống là những vấn đề liên quan đến đất đai; giải pháp giúp đỡ hội viên nghèo…
Xen giữa phần thi của các đội là phần chơi giành cho khán giả. 5 khán giả có mặt tại trường quay tham gia bốc thăm trả lời câu hỏi chương trình đưa ra, tạo thêm không khí sôi nổi, phấn khởi cho buổi ghi hình.
Kết thúc 3 phần thi, đội chơi đến từ Hội Người cao tuổi xã Phạm Trấn đã xuất sắc giành giải nhất.
Bổ ích
Nhà báo Hoàng Xuân Quang, phóng viên Đài Phát thanh – truyền hình tỉnh, người chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất cho biết, chương trình được xây dựng nhằm tạo một sân chơi bổ ích, thiết thực dành cho người cao tuổi trong tỉnh. Mỗi số của chương trình sẽ diễn ra từ 100 – 180 phút tại trường quay, với 3 phần thi là “Tuổi cao gương sáng”, “Tuổi cao vui khỏe” và “Người cao tuổi với cộng đồng”. Ở phần thi “Tuổi cao gương sáng”, hai đội chơi lần lượt trả lời 10 câu hỏi trắc nghiệm, tìm hiểu về chính sách, pháp luật về người cao tuổi; tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi; kiến thức, hiểu biết về y tế, dinh dưỡng, thể thao, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; hiểu biết về lịch sử văn hóa…
“Dù có học hỏi theo chương trình dành cho người cao tuổi trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam nhưng ê-kip thực hiện chương trình cũng xác định rõ, đây là chương trình dành cho người cao tuổi Hải Dương. Do vậy, ê-kip đã Hải Dương hóa tối đa chương trình. Mỗi số của chương trình, ê-kip đưa ra một số câu hỏi về văn hóa, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử của địa phương có đội chơi tham gia, nhằm tuyên truyền, quảng bá và tạo sự yêu mến, trân trọng các di tích, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh”, anh Quang nói.
Trong phần thi “Tuổi cao vui khỏe”, các đội thể hiện tài năng qua việc biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Phần thi “Người cao tuổi với cộng đồng” khá đặc sắc. Đây không chỉ là phần thi quyết định đội giành chiến thắng mà còn thể hiện kinh nghiệm, sự hiểu biết, sáng tạo của thành viên. Mỗi vấn đề Ban tổ chức đưa ra có thể là tình huống thường ngày trong đời sống xã hội, cũng có thể liên quan đến luật pháp, quy định của địa phương. Qua phần thuyết trình của mỗi đội chơi mang lại những thông điệp phù hợp, sâu sắc, mang tính giáo dục và tuyên truyền cao.
Để có được “ngân hàng câu hỏi” đa dạng, phong phú, có chất lượng, chương trình có sự tham mưu, tư vấn của nhiều chuyên gia như các nhà sử học Tăng Bá Hoành, Lưu Đức Ý; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị trong tỉnh. Đặc biệt, Ban giám khảo của chương trình đều là những người có uy tín, năng lực như: ông Lương Anh Tế, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh; ông Nguyễn Hữu Biên, Trưởng Khoa Lão khoa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và nghệ sĩ nhân dân Thúy Mơ.
Trải qua hơn 3 năm thực hiện, chương trình đã ghi hình được gần 40 số, với sự tham gia của gần 80 đội chơi đến từ các địa phương trong tỉnh. Chương trình ngày càng khẳng định được sức hấp dẫn, không chỉ với hội viên người cao tuổi mà với đông đảo nhân dân.
“Tháng nào tôi cũng đón xem chương trình Cây cao bóng cả. Qua chương trình, tôi được biết thêm nhiều kiến thức về văn hóa, xã hội, dinh dưỡng, sức khỏe, đồng thời cũng rút ra nhiều bài học qua phần chơi giải quyết tình huống trong chương trình”, ông Vũ Đình Hùng (ở phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) cho biết.
Theo ông Phạm Quang Sản, Phó Trưởng Ban đại diện Người cao tuổi tỉnh chương trình “Cây cao bóng cả” thực sự là một chương trình bổ ích, sân chơi lý thú dành cho người cao tuổi. Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của người cao tuổi; trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, tạo điều kiện giúp người cao tuổi nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, sống vui, sống khỏe, sống có ích.
HẠNH DUYÊN