Sản phẩm OCOP
Cứ đến độ này, hàng nghìn đàn ong ở xa lại về vùng đất vải làm mật. Không chỉ có những trại ong lớn, Thanh Hà còn có nhiều hộ nuôi ong.
Chị Lê Thị Quyên, chủ cơ sở mật ong Điệp Quyên có hơn 30 năm kinh nghiệm nuôi ong lấy mật cho biết, ban đầu gia đình chỉ có ít thùng nuôi ong, chủ yếu lấy mật vải vào tháng 3, sau mùa vải thì không còn hoa, người nuôi phải mua đường cho ong ăn. Sau này, vợ chồng chị đã nhân giống các đàn ong để đi làm mật nhiều nơi trong cả nước theo mùa hoa. Đầu tháng 3, tất cả 1.500 đàn ong của gia đình chị đã trở về Thanh Hà chuẩn bị cho mùa mật mới. Chị Quyên chia sẻ: “Làm nghề nuôi ong đòi hỏi phải kiên trì và hiểu được đặc tính con ong. Nếu mình chăm sóc không đúng, ong sẽ bỏ cầu mà đi, có lần chúng rủ nhau đi mấy chục đàn”.
Để giữ đàn ong, vợ chồng chị phải thuê chuyên gia hướng dẫn nuôi dưỡng. Sau này, khi thành người nuôi ong chuyên nghiệp, vợ chồng chị chủ động xử lý tách đàn, nhập đàn, bảo vệ sức khỏe cho ong. Khi khối lượng mật thu đến trăm tấn mỗi năm (gồm cả mật ong hoa vải, mật ong hoa rừng) và các sản phẩm từ ong như: phấn hoa, sữa ong chúa), chủ cơ sở càng mong muốn xây dựng thương hiệu ổn định, bền vững.
Năm 2022, mật ong hoa vải Thanh Hà giọt vàng của cơ sở nuôi ong Điệp Quyên được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Để đạt được điều này, gia đình chị Quyên luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Cơ sở làm mật ong nguyên chất, không có tạp chất, được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Chị Quyên cho biết năm 2025, chị sẽ đăng ký xây dựng OCOP 4 sao cho mật ong. Từ nay đến lúc đó, chị tập trung nghiên cứu, thiết kế bao bì cho từng sản phẩm.
Là người sớm đưa mật ong xuất khẩu, anh Lê Quý Quyết, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phương Bắc (Thanh Hà) nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng khi tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Vì thế, khi được các phòng chuyên môn giới thiệu về quy trình xây dựng OCOP, anh Quyết đã tích cực làm theo hướng dẫn. Anh Quyết cho biết: “Sản phẩm mật ong của công ty đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Đây giống như một tờ giấy thông hành giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong kinh doanh, tiêu thụ mật ở nước ngoài”.
Gần 2.000 đàn ong của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phương Bắc giờ đã có mặt tại Thanh Hà, sẽ lấy mật đến cuối tháng ba.
Nâng cao giá trị
Mật ong của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phương Bắc đã xuất sang Mỹ nhờ chất lượng và thương hiệu. Theo anh Quyết, lúc đầu mật chỉ bán lẻ trong nước. Sau đó, khối lượng mật ngày càng nhiều do anh nuôi nhiều đàn ong. Yêu cầu về đầu ra cho sản phẩm đã thôi thúc anh tìm hiểu, liên kết tiêu thụ với nhiều doanh nghiệp và đưa mật ong hoa vải xuất ngoại. Mỗi năm, công ty xuất khoảng 1.000 tấn mật sang Mỹ, doanh thu đạt khoảng 60 tỷ đồng. Để mật ong xuất sang Mỹ lâu dài, sau khi thu hoạch, mật sẽ được xử lý qua máy hạ thủy phần (công nghệ tách chân không, giúp sản phẩm giữ được màu sắc đẹp mắt, không làm mất đi giá trị). Trước khi xuất khẩu, mẫu mật ong được gửi đi kiểm nghiệm tại một công ty của Đức.
Hiện mật ong hoa vải Thanh Hà được bán ở nhiều siêu thị, cửa hàng sản phẩm OCOP trên toàn quốc. Trong hành trình xây dựng mật ong thành sản phẩm OCOP, các chủ thể không ngừng nâng cao chất lượng, tìm chỗ đứng cho thương hiệu của mình
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, khi chủ thể có ý thức xây dựng sản phẩm OCOP, các cơ quan quản lý rất dễ định hướng phát triển. Các sản phẩm này khi đưa ra thị trường đã có thương hiệu, uy tín. Vừa xuất khẩu, vừa bán rộng rãi tại nhiều siêu thị, mật ong hoa vải Thanh Hà còn là sản phẩm được nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh lựa chọn làm quà biếu.
Để sản phẩm mật ong hoa vải của Thanh Hà được “nâng sao”, thời gian tới các cơ quan chuyên môn của huyện tiếp tục phối hợp với chủ thể tích cực đưa sản phẩm tham gia hoạt động xúc tiến thương mại. Năm 2023, huyện Thanh Hà hỗ trợ 20 triệu đồng/hồ sơ cho sản phẩm OCOP. Địa phương khuyến khích các chủ thể tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá mật ong hoa vải, qua đó lan tỏa những sản phẩm đặc trưng từ vải thiều Thanh Hà.
MINH NGUYÊN