Thông tin được Ngân hàng Nhà nước cho biết tối 27/5. Phương án bình ổn thị trường mới chưa được nhà chức trách tiết lộ.
Từ cuối năm 2023, giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Vàng miếng SJC có lúc đạt 85 triệu đồng một lượng vào tháng 4, trước khi đạt kỷ lục hơn 92 triệu đồng vào tháng 5. Chênh lệch với giá thế giới neo ở mức cao, có thời điểm hơn 20 triệu đồng một lượng.
Để tăng cung bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu gọi thầu vàng miếng SJC từ ngày 22/4. Sau 9 phiên đấu thầu, có 6 phiên thành công, với hơn 48.000 lượng vàng miếng được nhà điều hành tung ra thị trường.
Càng về sau, khối lượng đấu thầu vàng thành công càng tăng. Phiên gần nhất tổ chức ngày 23/5 có 11 ngân hàng và doanh nghiệp đã mua 13.400 lượng, chiếm gần 80% quy mô chào thầu.
Tuy nhiên theo nhiều đại biểu Quốc hội, giải pháp này chưa hiệu quả. Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nói, cách thức thực hiện các phiên đấu thầu vàng vừa qua không rõ mục tiêu. Theo ông, giá sàn – mức nhà chức trách công bố để doanh nghiệp bỏ thầu – cao, nên các đơn vị khi trúng thầu khó bán thấp hơn.
Để kéo vàng trong nước về sát với quốc tế, ông cho rằng, nhà chức trách cần tính đúng, đủ giá thành sản xuất trong nước, cộng với chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để làm giá khởi điểm đấu thầu.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Think Future Consultancy cũng cho rằng các biện pháp hành chính, như thanh tra thị trường, hóa đơn điện tử, hay điều tra hành vi thao túng giá sẽ mang tới hiệu quả tức thì để bình ổn thị trường vàng, thay vì hy sinh ngoại tệ nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá.
Cuối tháng 5, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ thanh tra kinh doanh vàng của 4 doanh nghiệp lớn SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu và hai ngân hàng TPBank, EximBank. Các đơn vị này sẽ bị thanh tra việc chấp hành pháp luật kinh doanh vàng; phòng, chống rửa tiền; lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ và thực hiện nghĩa vụ thuế. Thời gian thanh tra từ 2020 đến giữa tháng 5/2024.
T.H (theo VnExpress)