Theo đó, ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước cho 9 thành viên vay gần 36.000 tỷ đồng thông qua kênh OMO với kỳ hạn 14 ngày với mức lãi suất trúng thầu tăng lên 4,25%/năm thay vì 4%/năm trong thời gian qua.
Ngoài ra, khoản vay qua kênh OMO hôm 16/4 (kỳ hạn 7 ngày) cũng đáo hạn với tổng giá trị gần 12.000 tỷ đồng, từ đó hút về số tiền tương ứng.
Cũng trong phiên hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành 2.150 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 3,73%/năm. Có 3 thành viên tham gia và 2 thành viên trúng thầu. Đồng thời lô tín phiếu phát hành ngày 26/3 đáo hạn, theo đó Ngân hàng Nhà nước bơm trở lại thị trường 3.700 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc duy trì kênh chào thầu tín phiếu sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước thiết lập một vùng giá sàn chắc chắn cho lãi suất liên ngân hàng thông qua lãi suất trúng thấu tín phiếu. Với các ngân hàng cần nguồn hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cho vay qua kênh OMO nhưng các nhà băng này phải chấp nhận mức lãi suất cố định là 4,25%/năm.
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường, đồng thời giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND trên thị trường liên ngân hàng.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Đức Anh, Giám đốc kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KB Việt Nam cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp ổn định tỷ giá như hút ròng tiền qua kênh tín phiếu trên thị trường mở (OMO). Mặc dù vậy, hoạt động này chưa đủ để ổn định tỷ giá khi lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng. Do đó, ông Trần Đức Anh cho rằng, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có những can thiệp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Để ổn định tỷ giá, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi rất sát tỷ giá và đã có biện pháp giải tỏa áp lực thị trường ngay từ tháng 3, thông qua việc phát hành tín phiếu nhằm trung hòa lượng tiền dư thừa trên thị trường, giảm bớt áp lực lên tỷ giá, làm cho tỷ giá biến động trong ngưỡng cho phép, trong khả năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện biện pháp mạnh mẽ hơn là bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm với giá bán can thiệp là 25.450 đồng/USD.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định tỷ giá là một trong những yếu tố liên quan và đóng vai trò rất quan trọng đến điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thống đốc cho biết, tỷ giá không chỉ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền và sức mua của người dân, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến các chính sách, đặc biệt là sự ổn định vĩ mô cũng như là vấn đề kiểm soát lạm phát, vấn đề về tâm lý đến thị trường, niềm tin của nhà đầu tư.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước luôn coi điều hành tỷ giá là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và tập trung. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế hết sức linh hoạt, đảm bảo làm sao cho điều hành của mình để tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và cũng đảm bảo được mục tiêu đặt ra đó là sự ổn định, đảm bảo hài hòa giữa trạng ngoại tệ luôn luôn duy trì được trạng thái dương cũng như đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.
Ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ là 24.275 VND, tăng 3 đồng so với hôm qua.
Giá USD tại BIDV được niêm yết ở mức 25.185 – 25.485 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 12 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua. Tại Vietcombank giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 25.148 – 25.488 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 15 đồng ở cả chiều mua vào và tăng 33 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua.