Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa niêm yết biểu lãi suất tiết kiệm mới, giảm 0,1%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng.
Lãi suất huy động thấp nhất tại Vietcombank hiện còn 1,6%/năm áp dụng cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn 1 và 2 tháng. Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng còn 1,9%/năm; kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng còn 2,9%/năm.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng giữ nguyên mức 4,7%/năm dành cho khách hàng gửi tiền từ 12 – 60 tháng.
Mức giảm tương ứng cũng được Vietcombank áp dụng cho lãi suất tiền gửi của khách hàng tổ chức. Theo đó, Vietcombank niêm yết lãi suất tiền gửi của tổ chức xuống mức thấp nhất là 1,5%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng; cao nhất là 4,2%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.
Như vậy, lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân tại Vietcombank đã giảm xuống ngang mức áp dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).
Còn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), biểu lãi suất niêm yết dao động từ 1,7 – 4,7%/năm, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) từ 1,7 – 4,8%/năm.
Cũng từ hôm nay 1/4, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) giảm 0,2%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 – 9 tháng xuống còn 3,8%/năm. Các kỳ hạn còn lại PGBank giữ nguyên lãi suất ở mức dao động từ 2,6 – 3%/năm với kỳ hạn từ 1 – 3 tháng và lãi suất từ 4,3%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng.
Lãi suất huy động cao nhất tại PGBank đang niêm yết ở mức 5,2%/năm dành cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 24 – 36 tháng.
Trước đó trong nửa cuối tháng 3, nhiều ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank)… Bước tăng lãi suất tại các ngân hàng này phổ biến từ 0,1 – 0,3%/năm tùy từng kỳ hạn.
Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất huy động cao nhất niêm yết trong hệ thống ngân hàng là 10%/năm tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), áp dụng cho tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 12 – 13 tháng.
Ngoài ra, một số ngân hàng áp dụng chính sách đặc biệt cho các khoản tiền gửi lớn còn có Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)… Trong đó, lãi suất cao nhất tại ABBank là 9,65%/năm tại ABBank, áp dụng cho tiền gửi từ 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng, lãi cuối kỳ và phải có phê duyệt của Tổng Giám đốc và tại MSB là 8,5%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 – 13 tháng, số dư từ 500 tỷ đồng.
Theo giới chuyên gia, lãi suất tiền gửi neo ở mức thấp tiếp tục tạo dư địa cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi sẽ khó có thể hạ thêm nữa.
Các chuyên gia phân tích từ Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI dự báo lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục bị “nhấn chìm”, có thể tăng 0,5%/năm so với năm 2023 lên khoảng 5,5%/năm vào cuối năm 2024. Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có khả năng giảm thêm 0,5 – 1% trong nửa đầu năm 2024.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định lãi suất đầu vào có thể tăng trở lại trong nửa sau của năm 2024 khi hoạt động kinh tế khởi sắc hơn. Dù vậy, với mức nền lãi suất huy động thấp, lãi suất cho vay vẫn có khả năng giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế nói chung.
Song song với việc niêm yết lãi suất huy động như thường lệ, các ngân hàng đã chính thức công bố lãi suất cho vay bình quân và và chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động bình quân. Động thái này nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc công bố lãi suất cho vay bình quân.
Mới đây nhất, VietinBank đã lần đầu tiên công bố lãi suất cho vay bình quân ở mức 6,3%/năm, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động bình quân là 2,45%/năm.
Theo VietinBank, mức chênh lệch lãi suất này dùng để bù đắp cho các loại chi phí tuân thủ quy định của pháp luật như chi phí dự phòng rủi ro, chi phí vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng, chi phí hoạt động,…
Agribank công bố lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ở mức 4%/năm. Lãi suất cho vay thông thường được Agribank áp dụng từ 5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và từ 6%/năm với cho vay trung và dài hạn.
Theo công bố, chi phí vốn bình quân của Agribank là 6%/năm. Trong đó, lãi suất huy động bình quân là 4,2%/năm, các chi phí khác (bao gồm dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản, bảo hiểm tiền gửi, chi phí hoạt động) là 1,8%/năm. Với mức lãi suất cho vay và huy động bình quân nói trên, hiện chênh lệch lãi suất giữa cho vay và huy động là 1,47%/năm.
Tại BIDV, lãi suất cho vay bình quân là 6,49%/năm, chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân là 3,12%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), lãi suất cho vay bình quân cho khách hàng cá nhân là 7,29%/năm cho vay ngắn hạn và 8,6%/năm cho vay trung, dài hạn. Đối với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất bình quân là 6,83%/năm cho vay ngắn hạn và 7,69%/năm cho vay trung, dài hạn. Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của VIB là 3,16%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lãi suất cho vay bình quân là 7,76%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân là 8,85%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), lãi suất cho vay bình quân trong thông báo mới nhất là 8,07%/năm. Lãi suất bình quân đối với tiền gửi tất cả các kỳ hạn là 5,82%/năm. Chênh lệch lãi suất bình quân ở mức 2,25%/năm…
Trước đó, tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 về tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động công bố công khai trên trang thông tin điện tử (website) của ngân hàng về lãi suất cho vay bình quân; chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, chương trình tín dụng ưu đãi và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có).
Tại công văn số 1628/NHNN-CSTT ban hàng mới đây gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc công bố lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng gửi đường dẫn (link) của Chuyên mục công bố các loại lãi suất về Ngân hàng Nhà nước trước ngày 1/4/2024. Trường hợp tổ chức tín dụng thay đổi đường dẫn thì phải cập nhật trong vòng 2 ngày làm việc với cơ quan quản lý….
Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng đã cơ bản công bố thông tin về lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, song một số tổ chức tín dụng vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện việc này.