Đại hội Đại biểu Hội Đông y tỉnh Hải Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 – 2028 thành công tốt đẹp
Thời gian qua, Hội Đông y tỉnh đã không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức Hội, phát triển hội viên. Mạng lưới hoạt động của Hội Đông y từ tỉnh đến cơ sở đã được kiện toàn, số hội viên ngày càng tăng. Trong nhiệm kỳ qua, đã phát triển mới được 100 hội viên, nâng tổng số hội viên là 1.680 người đều là các bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sĩ đa khoa, y sỹ, dược sỹ, các lương y, lang y giàu kinh nghiệm trong công tác khám, chữa bệnh sinh hoạt ở 12 huyện, thành hội. Trong đó, 100% xã phường có chi hội đông y hoạt động lồng ghép với trạm y tế xã.
Phát huy truyền thống nghề đông y của quê hương Hải Dương, Hội đã phối hợp với ngành Y tế triển khai thực hiến tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, kế thừa kinh nghiệm quý báu, những bài thuốc hay, cây thuốc quý, bài thuốc gia truyền. Đồng thời, tăng cường bảo tồn, phát triển cây thuốc nam và nguồn dược liệu tại các vườn trồng ở địa phương. Nhiệm kỳ 2017 – 2023, mỗi năm các cấp hội tổ chức khám, tư vấn, chữa bệnh cho khoảng 500.000 lượt bệnh nhân. Mỗi năm có hàng trăm nghìn người sử dụng thuốc y học cổ truyền. Nhiều đơn vị làm tốt công tác bảo tồn nguồn dược liệu như Hội Đông y thành phố Chí Linh đã có 10 vườn dược liệu với khoảng 5-7ha; Hội Đông y huyện Gia Lộc có khoảng 7 vườn dược liệu với diện tích 3-5ha… Các cấp Hội đã khám bệnh từ thiện, cấp thuốc miễn phí với tổng trị giá hơn 7 tỷ đồng.
Với phương châm xây dựng đội ngũ thầy thuốc đông y, đông đảo về số lượng, đảm bảo chất lượng, giỏi về chuyên môn và trong sáng về y đức. Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã tích cực phối hợp tổ chức 15 lớp tập huấn về trồng và chăm sóc, thu hái dược liệu với trên 200 người tham dự. Phối hợp với Trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội và Trường Lê Hữu Trác Hà Nội mở các lớp y sĩ y học cổ truyền với trên 120 học viên. Phối hợp với Trường Cao đẳng Dược Trung ương mở 4 lớp bồi dưỡng Lý luận cơ bản và châm cứu, xoa bóp bấm huyệt với trên 80 học viên…
Ngoài công tác chuyên môn, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt toàn thể cán bộ, hội viên, lương y thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tổ chức Hội; đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “phát triển nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”. Tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, hội viên, lương y thực hiện nghiêm túc 09 điều y huấn cách ngôn của Y sư Hải Thượng Lãn Ông và 12 điều quy định về y đức của Bộ Y tế cho hành động của người thầy thuốc. Qua đó mỗi cán bộ, hội viên, lương y luôn nêu cao tinh thần y đức, y thuật, hết lòng phục vụ bệnh nhân như lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.
Vườn dược liệu Công ty Thuốc dân tộc tại xã Văn Đức, Chí Linh, Hải Dương
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Hội còn gặp một số hạn chế, khó khăn như: Nội dung và phương thức hoạt động Hội chưa có nhiều đổi mới; chưa tương xứng với tiềm năng của tổ chức và của đội ngũ thầy thuốc, lương y tỉnh nhà. Kinh phí, chính sách dành cho y học cổ truyền còn hạn chế, chưa có chính sách đặc thù trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để trong chuyển giao những bài thuốc hay, cây thuốc quý, kinh nghiệm phòng, chữa bệnh bằng đông y hoặc trong việc truyền nghề cho thế hệ sau. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến nam dược còn hạn chế; vùng trồng dược liệu còn tự phát, quy mô nhỏ, chế biến thô sơ; cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền còn thiếu…
Nhiệm kỳ tới, Hội Đông y các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương liên quan đến đông y. Quan tâm kiện toàn tổ chức Hội, nâng cao chất lượng đào tạo; động viên, tạo điều kiện cho các thầy thuốc hoạt động, phát triển. Tích cực đấu tranh với “loạn thần y” trên mạng xã hội, phản bác các thông tin trái chiều, gây dựng lại niềm tin của người dân với Đông dược, Đông y. Chú trọng phát triển các vùng dược liệu nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị và cũng là hướng phát triển kinh tế cho người dân. Đẩy mạnh xã hội hoá giữa y học cổ truyền với doanh nghiệp, đưa sản phẩm y dược ra thị trường. Phát triển song hành y học cổ truyền với y học hiện đại trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân…