Giá heo hơi tiếp tục giảm nhẹ tại khu vực miền Bắc. Hiện tại, cả nước đang thu mua trong khoảng 63.000 – 67.000 đồng/kg. Lượng nhập khẩu thịt heo cao gấp 10 lần so với lượng xuất khẩu.
Giá heo hơi hôm nay 11/10: Miền Bắc tiếp tục giảm; Lượng nhập khẩu thịt heo cao gấp 10 lần so với lượng xuất khẩu. (Nguồn: Vietnamnet) |
Giá heo hơi hôm nay 11/10:
*Giá heo hơi tại miền Bắc:
Sáng nay, thị trường heo hơi miền Bắc tuột mất mốc 68.000 đồng/kg, giá thu mua cao nhất đạt 67.000 đồng/kg tại hầu hết các địa phương trong vùng.
Cụ thể, biến động giảm 1.000 đồng/kg ghi nhận tại các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình và TP Hà Nội. Hiện tại, các tỉnh, thành phố phía Bắc đang giao dịch trong khoảng 66.000 – 67.000 đồng/kg.
*Giá heo hơi tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên
Khu vực miền Trung-Tây Nguyên giữ giá đi ngang trong khoảng 64.000 – 66.000 đồng/kg. Theo đó, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh là các tỉnh giao dịch tại ngưỡng 66.000 đồng/kg, cao nhất khu vực.
*Giá heo hơi tại khu vực miền Nam
Tại khu vực miền Nam, duy nhất tỉnh Bạc Liêu điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg, về 63.000 đồng/kg, cùng giá với Bến Tre. Đây hiện cũng là mức thu mua thấp nhất cả nước.
Heo hơi tại các tỉnh, thành phố còn lại trong vùng duy trì giá bán từ 64.000 – 65.000 đồng/kg.
* Nhập khẩu thịt heo cao gấp 10 lần xuất.
Mặc dù được biết là quốc gia nuôi heo lớn thứ 5 thế giới (xét về số lượng con), nhưng Việt Nam vẫn đang phải nhập siêu thịt. Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, trong 8 tháng năm 2024, lượng nhập khẩu thịt heo cao gấp 10 lần so với lượng xuất khẩu.
Tuy đã triển khai, chăn nuôi an toàn sinh học trong các cơ sở chăn nuôi heo vẫn chưa bảo đảm dẫn đến dịch bệnh xảy ra phức tạp, đặc biệt là tại các trang trại quy mô nhỏ và nông hộ. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ còn chiếm tỷ trọng cao, bố trí chuồng trại trong khu dân cư, sát với nhà ở. Do vậy, dịch bệnh truyên nhiễm nguy hiểm trên lợn vẫn xảy ra khá thường xuyên và đe dọa sự bền vững của ngành chăn nuôi lợn.
Bên cạnh vấn đề an toàn dịch bệnh, chi phí nuôi heo ở Việt Nam vẫn cao, chủ yếu đến từ giá thành thức ăn chăn nuôi và con giống.
Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào như con giống chất lượng cao và nguyên liệu thực ăn chăn nuôi. Theo đó, hiện vẫn chưa hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm giá thành. Hằng năm, trong nước chỉ sản xuất được 35% nguyên liệu (để sản xuất khoảng 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp), còn lại 65% phải nhập khẩu.
Chia sẻ với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết chi phí lợn hơi trong nước cao đến mức giá thịt heo hơi của nhiều nước Nam Mỹ thậm chí thấp hơn so với thịt heo xẻ (thịt heo đã qua giết mổ) của Việt Nam. Chi phí nguyên liệu thức ăn vốn đã cao do phụ thuộc vào nhập khẩu, lại phải qua nhiều đại lý và khâu trung gian, giá càng cao hơn.
“Nếu sản xuất trong nước không chuyên nghiệp, bài bản thì thậm chí có nguy cơ mất cả thị trường nội địa chứ chưa nói đến chuyện xuất khẩu. Ngành chăn nuôi Việt Nam cần giải quyết hai vấn đề là an toàn dịch bệnh và giá thành thấp thì mới có thể xuất khẩu được”, ông Trọng cho biết.