Chiều 28/2, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức hội nghị quán triệt nội dung hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hội nghị kết nối trực tuyến tới 416 điểm cầu với hơn 18.300 đảng viên tham dự.
Hội nghị đã nghe Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến giới thiệu cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.”
Cuốn sách thể hiện tư duy nhất quán của Đảng ta và người đứng đầu Đảng ta về xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được minh chứng qua việc chỉ đạo rất sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với từng giai cấp, tầng lớp, các tổ chức, nhân dân Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.
Với 748 trang, ba phần, cuốn sách của Tổng Bí thư là tài liệu quý về xây dựng và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và toàn hệ thống chính trị về chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, cuốn sách càng có ý nghĩa, giá trị đặc biệt; là cẩm nang lâu dài về lý luận, thực tiễn, mang tầm lịch sử, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay, qua đó giúp cho cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn.
Đồng thời, đây cũng là cơ sở chính trị để quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Qua đó, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ chỉ đạo cụ thể hóa vào Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029; khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển hùng cường.
Trước đó, Đại sứ, Tiến sỹ Phạm Lan Dung, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã giới thiệu cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam.”
Cuốn sách đã đúc kết tư tưởng cốt lõi của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử dân tộc với đỉnh cao là nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, cùng với phương pháp luận ngoại giao Việt Nam trong đánh giá tình hình thế giới, nhận diện những đặc điểm của thời đại, cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong mỗi thời kỳ lịch sử…
Cuốn sách đã nhìn lại xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đặc biệt hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ rõ việc kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa của nhân loại, phát triển trên nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, để từ đó hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh rất đặc sắc, độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam.”
Nội dung những bài viết, bài phát biểu trong cuốn sách đã được chắt lọc, đúc kết từ nghiên cứu lý luận sâu sắc và hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú của Tổng Bí thư; thể hiện tầm nhìn chiến lược, trí tuệ sáng suốt, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng đắn của đồng chí đối với công tác đối ngoại, ngoại giao, góp phần phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Cuốn sách là một tài liệu rất có giá trị về lý luận và thực tiễn, là cuốn cẩm nang quý báu về đối ngoại đối với đội ngũ làm công tác đối ngoại của các ngành, các cấp và trong toàn hệ thống chính trị.
Để lan tỏa sâu rộng nội dung của 2 cuốn sách, biến nhận thức thành hành động cụ thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Văn Thể đề nghị các đảng ủy trực thuộc tiếp tục tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, sinh hoạt chuyên đề quán triệt nội dung 2 cuốn sách tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Từ đó, mỗi đảng viên hiểu, tiếp tục tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư được rút ra từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư đối với công tác đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác đối ngoại của Việt Nam.
Về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư đã khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là tổng hòa của các mối quan hệ đoàn kết giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, giới, thành phần kinh tế, các vùng miền và giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội chính là góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Các đảng ủy trực thuộc nghiên cứu kỹ nội dung, tư tưởng của Tổng Bí thư về đại đoàn kết toàn dân tộc và đường lối đối ngoại của Việt Nam, vận dụng xây dựng kế hoạch với những nội dung và công việc cụ thể trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác xây dựng đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đảng bộ và cơ quan, đơn vị.
Cùng với việc nhận thức sâu sắc nội dung cốt lõi trong 2 tác phẩm, mỗi cán bộ, đảng viên cần xác định việc làm cụ thể để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đảng viên và thực thi công vụ, góp phần xây dựng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đoàn kết, thống nhất; đồng thời góp phần xây dựng đường lối đối ngoại Việt Nam ngày càng hiệu quả, xây dựng nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
TB (theo TTXVN)