Xuân này tròn 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hải Dương lần thứ 3 trong tổng số 5 lần Người về thăm, làm việc ở vùng đất xứ Đông. Lần về thăm này, Bác căn dặn một số công việc cần làm để phát triển sản xuất vụ đông.
Điển hình miền Bắc
Ngày 1/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm và làm việc tại tỉnh ta. Tại trụ sở làm việc của Tỉnh ủy ở thị xã Hải Dương, Bác nói chuyện, làm việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính cùng cán bộ các ban, ngành tỉnh. Trong buổi gặp mặt này, Bác nói về nhiệm vụ của tỉnh nhà phải thực hiện trong thời gian tới là tổ chức thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước giao, củng cố các tổ chức cho vững mạnh… Bác khen ngợi những thành tích đã đạt được của cán bộ, nhân dân tỉnh nhà, nhất là phong trào sản xuất nông nghiệp. Bác nhắc nhở, căn dặn một số công việc cần làm để phát triển sản xuất vụ đông xuân như bón thêm phân, ra sức chống hạn…
65 năm qua, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, ngoài canh tác cây lúa, tỉnh Hải Dương còn không ngừng phát triển cây vụ đông, trở thành điển hình của miền Bắc.
Chúng tôi tìm nhiều nguồn thông tin song chưa thấy số liệu diện tích vụ đông tại thời điểm Bác Hồ về thăm cuối năm 1959. May thay, khi đọc sách “Địa chí Hải Dương” (tập 1), chúng tôi thấy một số liệu diện tích rau quả các loại vào năm 1960, cũng có thể tham khảo để chứng minh cho việc mở rộng diện tích cây vụ đông. Cụ thể, năm 1960, tỉnh Hải Dương có 2.780 ha rau quả các loại. Từ đó đến nay, diện tích rau quả các loại gần như tăng liên tục. Đến nay, toàn tỉnh trồng 3 vụ rau màu trong năm với tổng diện tích gần 42.000 ha, trong đó có khoảng 22.000 ha cây vụ đông, chiếm 52% tổng diện tích rau màu cả năm, gấp nhiều lần so với thời điểm Bác Hồ về thăm. Hải Dương là tỉnh đứng đầu đồng bằng Bắc Bộ về xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn trong vụ đông.
Những năm qua, do phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên nhiều diện tích đất canh tác bị thu hồi để nhường chỗ cho các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp. Tuy nhiên, 5 năm gần đây, tỉnh vẫn duy trì khá ổn định diện tích canh tác cây vụ đông từ 21.000-22.000 ha, thậm chí một số vùng chuyên canh cây vụ đông truyền thống vẫn mở rộng diện tích. Nhiều diện tích trồng cây vụ đông có giá trị kinh tế thấp đã được thay bằng diện tích trồng cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Đây là một cố gắng lớn của Hải Dương.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao như vùng hành tỏi hơn 6.200 ha, tập trung ở Kinh Môn, Nam Sách; vùng cải bắp, su hào, su lơ khoảng 4.100 ha, chủ yếu tại Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành, Thanh Miện và TP Hải Dương; vùng cà rốt gần 1.300 ha ở Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh…
Nâng cao chất lượng, hiệu quả canh tác
Hải Dương luôn chú trọng phát triển năng suất, chất lượng cây vụ đông. Nhiều loại cây trồng vụ đông có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với thời tiết, sâu bệnh được đưa vào đồng ruộng. Nông dân tích cực ứng dụng cơ giới hóa, giúp giảm nhân công, tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí.
Nắm bắt nhu cầu về thực phẩm an toàn, từ nhiều năm qua, Hải Dương quan tâm sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết vụ đông này, toàn tỉnh có 18 vùng trồng rau màu với diện tích 275 ha đạt chứng nhận VietGAP. Toàn tỉnh hiện có gần 50 ha nhà màng, nhà lưới, tập trung ở các huyện Gia Lộc, Kim Thành, Nam Sách và thị xã Kinh Môn.
Nhằm phát huy thế mạnh vụ đông, cấp ủy, chính quyền tỉnh và nhiều địa phương đã thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Vụ đông 2023-2024, UBND tỉnh hỗ trợ mở rộng hơn 400 ha cây vụ đông tại nhiều địa phương với mức 4 triệu đồng/ha tăng thêm. Chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm mục tiêu tích tụ, thuê mượn ruộng để sản xuất trên quy mô lớn; mở rộng diện tích nhà màng, nhà lưới; sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất; sản xuất rau an toàn…
Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều địa phương cũng triển khai chính sách hỗ trợ riêng.
Giúp dân làm giàu
Đồng chí Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ghi nhớ và thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy trong lần về thăm Hải Dương, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích nông dân sản xuất vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hải Dương gắn chặt sản xuất với tiêu thụ, có nhiều giải pháp xúc tiến thương mại để nông dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Cơ quan chức năng của tỉnh hỗ trợ nông dân quảng bá thương hiệu và cấp chứng nhận OCOP cho nhiều sản phẩm cây trồng chủ lực. Đầu năm 2022, UBND tỉnh tổ chức Lễ hội thu hoạch cà rốt ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) là một điển hình. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ gắn với yêu cầu của nhà nhập khẩu. Do đó, nhiều nông sản vụ đông đã được xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao, mang lại lợi nhuận lớn.
Nhờ sự hỗ trợ thiết thực ấy, sản xuất vụ đông đã và đang là nguồn thu nhập quan trọng với người dân nhiều địa phương. Hàng nghìn hộ dân làm giàu nhờ cây trồng vụ đông.
Chỉ cần nhìn vào một vài số liệu thống kê của ngành nông nghiệp cũng thấy phần nào việc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương đã làm tốt lời Bác Hồ dạy. Diện tích rau màu vụ đông toàn tỉnh hiện chiếm 14,3% diện tích gieo trồng cây hằng năm nhưng lại chiếm tới 32 – 33% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Giá trị sản xuất cây vụ đông năm 2022-2023 theo giá thực tế đạt 4.622 tỷ đồng, tăng 28 tỷ đồng so với vụ đông trước. Giá trị sản xuất trên 1 ha cây vụ đông đạt bình quân 223,5 triệu đồng, cao gấp 2,2 lần mức bình quân của các tỉnh, thành phố miền Bắc.
TUÂN CHUNG