Vỡ oà niềm vui
Chúng tôi gặp Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh tại nhà riêng vào một buổi sáng cuối tháng tư. Năm nay 82 tuổi, Thượng tướng vẫn còn rất mạnh khoẻ, mẫn tuệ. Trò chuyện với chúng tôi về ngày toàn thắng, thống nhất đất nước 30/4/1975, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhớ lại: “Khi ấy tôi đang là Tham mưu phó Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Trong lúc dàn đội hình trên đường số 1, khu vực Nam Ô, Đà Nẵng chuẩn bị sẵn sàng tiến về Sài Gòn thì chúng tôi nhận được chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 325 có nhiệm vụ tấn công các căn cứ của địch ở Long Thành, Nhơn Trạch, Cát Lái, thành Tuy Hạ, quận Thủ Đức, quận 4, cắt đứt đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn. Đồng thời mở đường đưa pháo tầm xa bắn phá và khống chế hoạt động đường không của địch ở sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó hợp với các hướng mũi của Quân đoàn 2 tiến vào nội đô Sài Gòn.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh kể lại rạng sáng 30/4, khi trận địa pháo tầm xa của Lữ đoàn 164 ở Nhơn Trạch được lệnh thôi bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, cũng là lúc cuộc vượt sông lịch sử của ông và đồng đội bắt đầu. “Nếu như mấy ngày trước địch còn kháng cự quyết liệt thì ngày 30/4 nhiều đơn vị địch đã trút bỏ quân phục, vũ khí, rút chạy. Tới 9 giờ ngày 30/4, cuộc tiến công vượt sông Đồng Nai bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng của Sư đoàn 325, của Binh đoàn Hương Giang kết thúc thắng lợi”, Thượng tá Nguyễn Văn Rinh nhớ lại.
Ngay sau khi đập vỡ tuyến phòng thủ của địch ở Cát Lái, Bộ Tư lệnh Sư đoàn lệnh cho Trung đoàn 101 cùng lực lượng xe tăng đi cùng phát triển tiến công đánh vào quận 9 và khu vực Tân Cảng. Trung đoàn 46 và Trung đoàn 84 ở lại bảo vệ địa bàn và khóa chặt sông Lòng Tàu, không cho địch rút chạy ra biển. Từ 9 – 12 giờ ngày 30/4, các chiến sĩ Trung đoàn 101 dồn dập đánh chiếm quận 9, Bộ Tư lệnh hải quân ngụy và khu vực Tân Cảng.
11 giờ 30 ngày 30/4/1975, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập thì Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cùng đơn vị chiếm giữ các mục tiêu vệ tinh của địch. “Nghe tin chiến thắng từ hệ thống thông tin liên lạc của đơn vị mà chúng tôi xúc động, vui mừng khôn xiết. Hôm ấy giữa trưa nắng gắt, hàng nghìn người dân đổ ra đường, cờ hoa rợp trời mừng đất nước thống nhất. Mọi người phấn khơi đón chào, tiếp đồ ăn, nước uống bộ đội giải phóng. Một ngày sau giải phóng thì tôi cũng được thăng quân hàm từ thiếu tá lên trung tá”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhớ lại.
Giá trị của hòa bình
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh sinh năm 1942, quê ở xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Ông nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, Thứ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ông cũng là người Hải Dương đầu tiên trong Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam được phong quân hàm thượng tướng (từ năm 2004).
Ngay từ khi còn nhỏ, trước sự hy sinh anh dũng của người cha là Đội phó du kích thôn Đồng Kênh, xã Văn Tố (Tứ Kỳ) trong một trận càn của giặc Pháp đã thôi thúc trong Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh tinh thần cứu nước, căm thù quân xâm lược. Nhập ngũ từ năm 19 tuổi, suốt cuộc đời gần 50 năm trong quân ngũ, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh là nhân chứng lịch sử của nhiều cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc. Sau giải phóng miền Nam, ông tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Chiến tranh kết thúc, ông được điều về làm Tư lệnh Quân đoàn 2. Từ năm 1995, ông công tác tại Bộ Quốc phòng, làm Phó Tổng Tham mưu trưởng, rồi Thứ trưởng Quốc phòng.
Từ năm 2008, khi mới nghỉ hưu, được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giới thiệu ra làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đã nhận lời. Ông gắn bó với công việc này đến tháng 12/2023. Từng nhiều năm trực tiếp chiến đấu tại các mặt trận bị máy bay địch rải chất độc hóa học; chứng kiến những hậu quả nặng nề của loại chất độc này trên thân thể đồng đội và thế hệ sau, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh xúc động chia sẻ: “Những nạn nhân chất độc màu da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả để lại vẫn còn mãi đến bây giờ và khó có thể bù đắp nổi”.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, mỗi dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất không phải để khơi gợi lại nỗi đau chiến tranh mà để cho các thế hệ không thể quên và hiểu thêm ý nghĩa to lớn, giá trị lịch sử và thời đại của Đại thắng mùa xuân 1975. “Càng thấm thía hơn về những mất mát, hy sinh mà nhân dân ta, dân tộc ta đã phải trải qua, chúng ta càng trân quý hơn giá trị của hòa bình hôm nay, của một đất nước không có chiến tranh. Ngày nay khi đất nước hòa bình, cùng với phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thì chúng ta không được chủ quan, lơ là chống giặc ngoại xâm; việc chống giặc nội xâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng cần chú trọng, không ngừng, không nghỉ”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh chia sẻ thêm.
HOÀNG BIÊN