Theo trang The Guardian (Anh), những thí sinh này đang tham dự cuộc thi kỳ lạ mang tên ngồi yên (Space-out). Một số người mặc đồng phục bác sĩ, nha sĩ, trong khi những người khác mặc trang phục nhân viên văn phòng và sinh viên.
Quy định của cuộc thi này rất đơn giản. Người tham gia chỉ ngồi yên và không phải làm gì cả. Tuy nhiên, thí sinh không được sử dụng điện thoại hay nói chuyện, người ngủ quên sẽ ngay lập tức bị loại. Ban tổ chức cũng theo dõi nhịp tim của người tham gia, thí sinh nào có nhịp tim ổn định nhất sẽ giành chiến thắng.
Được tổ chức lần đầu vào năm 2014 do nghệ sĩ Woopsyang phát động, cuộc thi “ngồi yên” ngày càng trở nên phổ biến trong những năm qua. Cuộc thi nhằm mục đích tạo ra không gian để phục hồi cho những người bận rộn với công việc, áp lực học tập và truyền tải thông điệp không làm gì không hẳn là lãng phí thời gian.
Cuộc thi này cũng được coi là một loại hình nghệ thuật trình diễn. Mặc dù các thí sinh ngồi yên bên trong địa điểm thi đấu, nhưng khán giả liên tục di chuyển xung quanh. Người phát động cuộc thi nói rằng mục tiêu của cuộc thi này là tạo ra tương phản trực quan giữa một nhóm người không làm gì với một nhóm đang bận rộn.
Hàn Quốc nổi tiếng với thói quen làm việc khắc nghiệt, khi có thời gian làm việc dài nhất trong số các nước phát triển. Bất chấp việc áp đặt giới hạn làm việc 52 giờ/tuần vào năm 2018, nhưng làm việc quá sức và kiệt sức vẫn không phải là chuyện hiếm ở “xứ sở kim chi”. Năm 2023, chính phủ đã đề xuất tăng thời gian làm việc tối đa hàng tuần lên 69 giờ, gây ra phản ứng dữ dội.
Học sinh cũng phải đối mặt với áp lực lớn khi sống trong “cơn sốt giáo dục”. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có áp lực học tập và thành công khắc nghiệt nhất thế giới. Học sinh phải học ở trường trong nhiều giờ, sau đó đến các lớp học thêm để bồi dưỡng kiến thức với hy vọng đỗ một trường đại học danh tiếng và kiếm được việc làm tại một trong những công ty hàng đầu đất nước.
Cuộc khảo sát của chính phủ năm 2022 ở những người từ 19 đến 34 tuổi cho thấy cứ 3 người trẻ thì có một người bị kiệt sức. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ sự lo lắng về nghề nghiệp (37,6%), công việc quá tải (21,1%), hoài nghi về công việc (14,0%) và mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống (12,4%).
Trong bối cảnh đó, cuộc thi “ngồi yên” là thời gian để mọi người tạm rời xa áp lực, công việc, tạo cho mình không gian thoải mái nhất. Trước đây, cuộc thi này đã được tổ chức tại các thành phố như Tokyo, Đài Bắc, Bắc Kinh và Rotterdam. Năm nay, những người tham dự cuộc thi này đến từ cả trong và ngoài nước.
Dù trời mưa, những người tham dự cuộc thi năm nay đều không nản lòng. Hầu hết mọi người đều sử dụng ô và áo mưa với quyết tâm ngồi lâu nhất có thể để giành chiến thắng. Một số người nằm ườn trên mặt đất, nhìn lên bầu trời, trong khi những người khác lại chọn ngồi thiền.
Người giành chiến thắng cuộc thi năm nay là Valentina Vilches, người gốc Chile nhưng định cư tại Hàn Quốc. Cô Vilches là một nhà tư vấn tâm lý và chia sẻ cô đến đây để giải trí và cũng muốn chia sẻ trải nghiệm với các bệnh nhân.
“Tôi muốn nhắc nhở bệnh nhân về tầm quan trọng của việc ngồi yên và thư giãn để thấy rằng điều này tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần như thế nào”, Vilches nói sau khi nhận được chiếc cúp vàng.
Anh Kim Ki-kyung, nhân viên văn phòng Hàn Quốc, cho biết cuộc thi này là cơ hội để anh có thời gian giải tỏa áp lực. “Xã hội Hàn Quốc rất cạnh tranh nên đôi khi ngồi yên cũng là điều cần thiết. Tôi nghĩ chúng ta đã quên cách thực hiện điều đó”, anh Ki-kyung nói.
TB (theo Báo Tin tức)