Ngày 30/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã kết thúc. Trong kỳ họp, với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, dân chủ, trí tuệ, Kỳ họp thứ 8 đã hoàn thành 51 nội dung của các lĩnh vực: xây dựng pháp luật; giám sát tối cao; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, góp phần quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, kỳ họp này, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội và một số vấn đề quan trọng khác như an sinh xã hội…
“Tôi rất ấn tượng về chất lượng tại kỳ họp này”
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) – Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng Kỳ họp thứ 8 có rất nhiều các dự án đã được các cơ quan chuẩn bị hết sức tích cực, khẩn trương, công phu, các dự án mà Chính phủ trình cũng như ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền cũng rất kịp thời. Do vậy, việc thông qua các hoạt động về lập pháp đã kết thúc đúng như kế hoạch đề ra và hiện nay tại kỳ họp này ngoài vấn đề lập pháp ra cũng có rất nhiều các nội dung liên quan đến quá trình giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.
“Tôi rất ấn tượng về chất lượng tại kỳ họp này. Đối với nhiều dự án luật có tính chất phức tạp, nhạy cảm, phạm vi rộng cũng đã được Quốc hội xem xét một cách thấu đáo và tập trung tháo gỡ nhiều vướng mắc mà chúng ta đề cập tới đó là điểm nghẽn. Điểm nghẽn hiện nay về mặt thể chế, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Tổng Bí thư cũng đã đề cập đến nội dung này. Tôi cho rằng việc tháo gỡ điểm nghẽn để giải phóng nguồn lực một thời điểm nhất định là cần thiết. Tuy nhiên, cái này chỉ là thí điểm và giải quyết ở thời điểm này. Tôi cho rằng nếu sau này những nội dung mà đã chín, đã rõ mà nó phụ thuộc vào phần lớn hệ thống pháp luật cần phải kiến nghị sửa đổi, vấn đề này các đại biểu Quốc hội trong hội trường cũng đã có đề cập rồi,” đại biểu Sơn cho hay.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, điểm nghẽn mà do hệ thống pháp luật cần phải sửa luật để mang tính dài hạn hơn. Để giải phóng nguồn lực ở thời điểm này phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt như lời Tổng Bí thư nói coi việc chống lãng phí ngang với chống tiêu cực, chống tham nhũng để giải phóng được nguồn lực và xây dựng thành văn hóa thì việc mà tháo gỡ các dự án luật sửa đổi một số điều hay các nghị quyết nhằm tháo gỡ là một giải pháp giúp đạt được mục tiêu cũng như yêu cầu mà cấp trên, đặc biệt là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã thông qua. Việc tháo gỡ này phù hợp ở thời điểm hiện nay.
Thời điểm này cũng là một trong những năm cuối để chuẩn bị cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng sắp tới, vì vậy, việc tháo gỡ về mặt thể chế, nghị quyết cá biệt và đặc biệt là những điều khoản dẫn đến việc khó thực thi trong pháp luật là cần thiết và Quốc hội cũng đã thông qua nhiều nội dung này ở kỳ họp này. Đây cũng là cách làm mới và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không hẳn chỉ là Quốc hội mà có thể từ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho đến Quốc hội và đặc biệt là việc trình của Chính phủ thì cần phải kỹ lưỡng hơn.
Kỳ họp có những tác động mang tính chất thời đại
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai) đánh giá: “Đây là Kỳ họp kỷ lục về khối lượng nội dung. Về hình thức, là một kỳ họp phải nói rất nhiều cảm xúc, đó là chúng ta trong bối cảnh hoà chung trong sự vận động chung của cả hệ thống chính trị khi chúng ta thay đổi rất nhiều phương pháp, chủ trương trong khí thế đúng như tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, vừa chạy vừa xếp hàng và không đợi chờ, phân tích, không có thời điểm quá độ. Chúng ta quyết gắn giữa chủ trương hành động và sản phẩm đi với nhau rất sát.”
Kỳ họp này thực hiện đúng khí thế của Tổng Bí thư cũng như của Đảng chỉ đạo về mặt thể chế, rất nhiều dự án bổ sung mới vào kỳ họp, nhiều nghị quyết trọng tâm được bổ sung như nghị quyết của Vietnam Airlines bổ sung thảo luận và trình và thảo luận ngay và rất nhiều dự án luật được thông qua trong kỳ họp này. Điều đó thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, đồng thời với việc tăng trách nhiệm đối với hoạt động Quốc hội trước những yêu cầu của Đảng, yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội.
“Bản thân chúng tôi đang làm những nội dung quan đến chất lượng các dự án, có thể nói rằng là các cơ quan hội có một sức ép khá lớn khi chúng ta vừa phải bảo đảm về mặt quy trình, vừa bảo đảm về mặt số lượng nhưng chất lượng. Có thể thấy rằng đây vừa là sức ép nhưng nó cũng vừa là trách nhiệm của các cơ quan, của các đại biểu Quốc hội để hướng tới mục tiêu lớn nhất, cao nhất đó là tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông được nguồn lực và đặc biệt là chúng ta đi đúng hướng chỉ đạo với tinh thần sẵn sàng tạo nên tạo một nguồn lực để vươn mình trong giai đoạn mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, đó là chúng ta vươn mình trong kỷ nguyên mới,” đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Kỳ họp này thể hiện quyết tâm và trách nhiệm Quốc hội hòa chung với dòng chảy của đất nước, dòng chảy của dân tộc với việc thông qua nhiều dự án luật cần thiết và mang tính cấp bách. Dù là một kỳ họp thông thường nhưng nếu điểm lại những nội dung từ lập pháp đến giám sát cho thấy có những tác động mang tính chất thời đại, mang tính chất dài hơi, chiến lược.
Đổi mới, tích cực và quyết liệt
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội cho hay, kỳ họp này chương trình thay đổi khá nhiều lần. Điều đó cho thấy diễn biến các cuộc họp của Quốc hội năm nay rất linh hoạt, căn cứ vào diễn biến thực tiễn của xã hội, của đất nước để có những điều chỉnh và đổi mới kịp thời.
“Việc điều chỉnh chương trình làm các đại biểu Quốc hội và đặc biệt những người chuẩn bị cho kỳ họp rất vất vả nhưng tôi cho là việc đó là việc cần làm. Kỳ họp đã hoàn thành được các nội dung và kế hoạch chương trình đề ra sửa đổi đó là những điểm rất nỗ lực và đáng ghi nhận của kỳ họp này trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục đào tạo và an sinh xã hội… được mổ xẻ và trao đổi thẳng thắn,” đại biểu Nguyễn Anh Trí phân tích.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá, nhìn lại từ đầu kỳ họp tới nay, trước tiên là trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội đã điều hành phiên họp rất linh động, nhạy bén và quyết liệt. Đối với các đại biểu Quốc hội làm việc rất tích cực khi nội dung kỳ họp này các vấn đê liên quan đến công tác lập pháp rất nhiều.
“Tôi là đại biểu nhiệm kỳ thứ hai, nhiệm kỳ khóa 14 công tác lập pháp không có nhiều luật như thế, trong khi đó kỳ họp này thông qua rất nhiều luật và cho ý kiến nhiều luật. Có ý kiến là một luật sửa 7 luật, một luật sửa 4 luật mà mới gửi hồ sơ nên các đại biểu Quốc hội lúng túng trong chuyện nghiên cứu để tham gia thảo luận. Bởi vậy, có những dự luật là đại biểu đăng ký phát biểu rất nhiều nhưng có những luật là đại biểu đăng ký rất ít.”
Đại biểu Phạm Văn Hòa thẳng thắn cho rằng trách nhiệm, tinh thần của từng đại biểu Quốc hội trong kỳ họp này, từ hội trường đến giờ nghỉ giải lao khi trả lời các nội dung bên lề rất trách nhiệm, rất tích cực. Ở nghị trường bằng những điều kiện, khả năng, trình độ, năng lực và sự hiểu biết của mình các đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp những vấn đề quan trọng của đất nước, đóng góp về phòng chống tội phạm…
“Tôi cho rằng đánh giá rất cao tại kỳ họp này, ngoài điều hành của Phó Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội thì trách nhiệm Thường vụ Quốc hội họp liên tục, thậm chí ngày nghỉ giữa kỳ cũng họp liên tục, chương trình bổ sung rất nhiều nhưng thời gian họp lại không thay đổi nên tôi đánh giá đây là kỳ họp rất tích cực và quyết liệt,” Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh./.
(Vietnam+)
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/ky-hop-quoc-hoi-thu-8-co-nhung-tac-dong-mang-tinh-chat-thoi-dai-post998334.vnp