– Ngày 23/6/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 58-KL/TW về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam. Xin đồng chí cho biết cơ sở nào để từ đó Ban Bí thư ban hành kết luận quan trọng này?
Theo tôi, có ba cơ sở chính để Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 58-KL/TW về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Một là, từ khi thành lập Hội Người cao tuổi năm 1995, tại 50 tỉnh, thành phố áp dụng mô hình Ban Đại diện Hội Người cao tuổi ở cấp tỉnh và cấp huyện, chỉ có 13 tỉnh, thành phố có đầy đủ mô hình Hội ở cả 4 cấp hành chính. Trong quá trình tổ chức hoạt động, mô hình Ban Đại diện bộc lộ một số bất cập như về cơ sở pháp lý, Ban Đại diện chưa phải là một tổ chức Hội theo đúng tinh thần Nghị định số 45/2010 của Chính phủ; sự thiếu thống nhất về mô hình tổ chức giữa các tổ chức hội quần chúng trong hệ thống chính trị ở nước ta, duy nhất chỉ có Hội Người cao tuổi là có mô hình Ban Đại diện. Vì vậy, đòi hỏi sự kiện toàn để thống nhất mô hình.
Hai là, hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trước tình hình già hóa dân số với tốc độ nhanh ở nước là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài, trong đó hình thức chăm sóc người cao tuổi từ cộng đồng và dựa vào cộng đồng, thông qua tổ chức Hội Người cao tuổi có vai trò quan trọng và là hoạt động thường xuyên.
Ba là, vị trí, vai trò của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi ngày càng rõ nét. Vì thế, cần có hệ thống tổ chức Hội Người cao tuổi vững mạnh, đầy đủ cơ sở pháp lý.
– Tỉnh Hải Dương đã triển khai thực hiện Kết luận 58-KL/TW của Ban Bí thư như thế nào?
Thực hiện kết luận của Ban Bí thư, ngày 5/1/2024, Tỉnh ủy Hải Dương đã thống nhất về chủ trương thành lập Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Ngày 5/4/2024 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các quyết định cho phép thành lập Hội Người cao tuổi tỉnh Hải Dương và thành lập Hội Người cao tuổi các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh đến ngày 25/6/2024, các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành việc tổ chức đại hội thành lập Hội, đúng hướng dẫn, quy định, đúng thời gian kế hoạch.
– Là Trưởng Ban Công tác người cao tuổi tỉnh, đồng chí đánh giá thế nào về kết quả hoạt động công tác Hội Người cao tuổi trên địa bàn tỉnh những năm qua?
Qua báo cáo và theo dõi hoạt động của Hội Người cao tuổi các cấp, tôi nhận thấy từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, các cấp Hội đã bám sát tôn chỉ, mục đích, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 chương trình công tác lớn theo Nghị quyết Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được Đảng, chính quyền giao.
Công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh luôn được quan tâm. Tổ chức tốt phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng”, tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động; đã thu hút trên 91% số người cao tuổi tham gia sinh hoạt Hội, với trên 320.000 hội viên, sinh hoạt tại 1.404 chi hội ở thôn, khu dân cư thuộc 235 Hội cấp xã. Tổ chức tốt hoạt động chăm sóc người cao tuổi: khám sức khoẻ định kỳ cho 234.380 lượt người cao tuổi, lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ cho 316.344 lượt người cao tuổi. Thực hiện chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” đã khám bệnh về mắt cho trên 100.000 lượt người, mổ thay thủy tinh thể gần 18.000 nghìn người. Phối hợp tổ chức chúc thọ cho 114.312 lượt người cao tuổi, với số tiền trên 51 tỷ 933 triệu đồng. Thực hiện hiệu quả Đề án Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau…
– Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong tình hình già hóa dân số hiện nay, cần có những giải pháp nào, thưa đồng chí?
Già hóa dân số là một thực trạng chung của cả nước. Hải Dương là tỉnh có tốc độ già hóa dân số nhanh hơn tốc độ trung bình cả nước. Hiện số người cao tuổi tỉnh ta đã chiếm trên 17% số dân. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu đa dạng hóa các hình thức bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, trong đó, vai trò của Hội Người cao tuổi rất quan trọng.
Vì thế, sau khi kiện toàn mô hình tổ chức, Hội Người cao tuổi tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã cần tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát tôn chỉ mục đích hoạt động của Hội, tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng”, hướng vào ba nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tuyên truyền, vận động hội viên gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời vận động gia đình, cộng đồng làm theo.
Thứ hai, tổ chức tốt hoạt động chăm sóc hội viên và người cao tuổi bằng các hoạt động cụ thể như: phát triển, duy trì nhiều loại hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tạo điều kiện để hội viên tham gia các hoạt động nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần; tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; chăm lo, động viên các gia đình hội viên hoàn cảnh khó khăn, những hội viên già yếu, cô đơn không nơi nương tựa; thực hiện tốt chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”.
Thứ ba, động viên hội viên phát huy vai trò “cây cao – bóng cả”, tham gia tích cực các hoạt động xây dựng hệ thống chính trị, giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc.
Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong tình hình già hóa dân số ở Hải Dương hiện nay, thay mặt Ban Công tác người cao tuổi tỉnh, tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp trong tỉnh quan tâm quán triệt, triển khai các nội dung đã nêu rõ trong Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
PV
Nguồn: https://baohaiduong.vn/kip-thoi-kien-toan-to-chuc-hoi-gop-phan-bao-ve-cham-soc-va-phat-huy-vai-tro-nguoi-cao-tuoi-385725.html