Một số đại biểu Quốc hội, cho rằng, thực tế đang đòi hỏi rất cao nhà giáo không chỉ về đạo đức, chuẩn mực, sự hiểu biết, tính sáng tạo mà còn đòi hỏi về phẩm chất, tư tưởng chính trị; còn yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ bắt buộc tạo thêm áp lực cho nhà giáo.
Sáng 20/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho rằng: Quy định về bồi dưỡng nhà giáo từ Điều 34 đến Điều 36 là nặng nề bởi hiện nay là xã hội học tập, học tập suốt đời và khuyến khích tự học, tự nghiên cứu. Nhà giáo cần nâng cao năng lực và học tập thường xuyên. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà biến giáo viên… thành học sinh với những quy định về bồi dưỡng bắt buộc dày đặc, tạo thêm áp lực cho giáo viên.
Đại biểu Việt Nga đề nghị lược bớt những quy định tạo ra áp lực về các chứng chỉ, bồi dưỡng bắt buộc với nhà giáo và quy định theo hướng nhà giáo cần tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao kỹ năng, trình độ để đáp ứng nhu cầu công việc.
Điều 34 về bồi dưỡng giáo viên, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện chế độ bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về viên chức; trong đó, nội dung kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm bao gồm: bồi dưỡng thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng đáp ứng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời; bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, quản trị cơ sở giáo dục; Bồi dưỡng nhà giáo bao gồm bồi dưỡng bắt buộc, bồi dưỡng tự chọn, tự học, tự nghiên cứu bằng các hình thức phù hợp.
Điều 35, Trách nhiệm và quyền của nhà giáo khi tham gia bồi dưỡng: Tham gia đầy đủ và hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo quy định; Có ý thức tự học, học tập suốt đời, phát triển nghề nghiệp liên tục; Vận dụng kết quả bồi dưỡng vào hoạt động giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, đổi mới sáng tạo.
Còn đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đề nghị bổ sung tại điểm e khoản 2 Điều 9 quy định nhà giáo có nghĩa vụ tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, dân chủ, đổi mới sáng tạo. Theo đại biểu, cần bổ sung thêm nghĩa vụ của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đó là phải xây dựng môi trường giáo dục thân thiện. Theo đại biểu, đây là nội dung nằm trong phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, đã được phát động cách đây hơn 16 năm và đến nay đã khẳng định vẫn nguyên giá trị, ý nghĩa.
Để đạt được mục đích này, các thầy cô giáo phải thân thiện trong dạy học. Trường học thân thiện là trường học có môi trường sống lành mạnh, an toàn, tránh được những bất trắc, nguy hiểm, đe dọa học sinh. Trường học thân thiện là trường tạo lập sự bình đẳng giới, xây dựng thái độ với giáo dục, hành vi ứng xử tôn trọng bình đẳng nam nữ. Nghĩa vụ của nhà giáo trong xây dựng trường học thân thiện thì ngoài truyền thụ kiến thức còn phải chú trọng giáo dục kỹ năng sống, tạo môi trường và điều kiện để học sinh tìm hiểu, chăm sóc và phát huy các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa của địa phương.
Về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, cho biết: Điều 6 của dự thảo Luật Nhà giáo về Chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, quy định Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, trong dự thảo Luật Nhà giáo chưa thể hiện rõ chính sách này. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm học 2022 – 2023 cả nước vẫn còn thiếu hơn 100.000 giáo viên đối với cấp học phổ thông và theo cái dự báo của Tổng cục Thống kê đến năm 2045 thì dự báo đến năm 2030 thì cả nước cần bổ sung thêm hơn 358.000 giáo viên. Do vậy, đại biểu cho rằng Luật Nhà giáo cần có những chính sách để đảm bảo về số lượng nhà giáo.
Đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng đối với nhà giáo, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, cho rằng: Liên quan tới chuẩn nghề nghiệp nhà giáo tại Điều 14 dự thảo Luật, giáo dục có vai trò quan trọng và nhà giáo là trung tâm, là người quyết định chất lượng đào tạo, giáo dục con người, trực tiếp tác động, truyền thụ tư duy, tư tưởng, kiến thức của các thế hệ người học.
Do vậy, đòi hỏi cao ở nhà giáo không chỉ về đạo đức, chuẩn mực, mô phạm, sự hiểu biết, tính sáng tạo mà còn đòi hỏi về phẩm chất, tư tưởng chính trị của nhà giáo. Phẩm chất chính trị, tư tưởng nhà giáo là nhân tố cơ bản giữ vai trò chủ đạo, định hướng sự phát triển đạo đức của đội ngũ nhà giáo. Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ và các trí thức khoa học mà còn là nơi rèn luyện, truyền thụ phẩm chất, nhân cách của người học. Từ phân tích trên, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng vào khoản 1 Điều 14 dự thảo Luật.